Ngày 24/3, Iraq đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Trung Đông tham gia Công ước về nước của Liên hợp quốc nhằm đảm bảo sử dụng bền vững các nguồn nước xuyên biên giới.
Với lượng mưa thấp, nhiệt độ gia tăng và lượng nước bề mặt sụt giảm, Iraq đang đối mặt với các mực nước thấp nghiêm trọng trong những năm gần đây.
Các chuyên gia của Liên hợp quốc ước tính đến năm 2050, lượng mưa sẽ giảm 25% ở Iraq, làm trầm trọng thêm tình trạng sa mạc hóa và khan hiếm nước ở một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, 19 trong số 22 quốc gia Arab đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.
Phát biểu tại Hội nghị Nước 2023 của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 22-24/3 tại New York (Mỹ), Tổng thống Iraq Abdul Latif Rashid cảnh báo rằng nước này phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước thực sự.
Ông Rashid nói thêm: "Các yếu tố liên quan đến khí hậu như hạn hán, bão bụi và nhiệt độ cao xảy ra trong những năm gần đây nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Các biện pháp phòng ngừa cần thiết cần phải thực hiện để giảm thiểu những tác động tiêu cực đó."
Theo ông Rashid, trong 40 năm qua, lượng nước từ các sông Euphrates và Tigris - nơi cung cấp tới 98% lượng nước mặt của Iraq - đã giảm khoảng 1/3.
Tigris, con sông lớn thứ hai ở Tây Á, và sông Euphrates là nguồn cung cấp nước mặt quan trọng nhất cho khoảng 237 triệu người trên khắp Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Iraq nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp giữa các quốc gia láng giềng thông qua các thỏa thuận và cam kết để đảm bảo chia sẻ công bằng các nguồn nước.
Ông Rashid cho biết thêm các quốc gia trên toàn lưu vực sông Euphrates và Tigris hiện không có bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc quản lý nguồn nước từ hai con sông này.
Ông nêu rõ: "Tôi đặc biệt khuyến khích tất cả các quốc gia noi theo Iraq gia nhập Công ước Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy 1997 và Công ước năm 1992 về bảo vệ và sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới và các hồ quốc tế"./.