Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, ngày 23/10, Iran đã đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán giữa các Bộ trưởng Ngoại giao Armenia và Azerbaijan, đánh giá rằng đây là cơ hội mang lại hòa bình cho khu vực Nam Kavkaz.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan, sau khi lực lượng của Azerbaijan vào tháng trước đã giành lại quyền kiểm soát khu vực ly khai Nagorno-Karabakh và diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.
Trong tuyên bố trên truyền hình, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian khẳng định đây là “một cơ hội lịch sử dành cho tất cả các nước trong khu vực.” Chiến tranh ở Nam Kavkaz đã kết thúc và bây giờ là lúc cần phải “hòa bình và hợp tác.”
Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Armenia, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi khẳng định với vị thế mạnh mẽ và tầm ảnh hưởng của mình, Tehran sẵn sàng hỗ trợ giải quyết các tranh chấp hiện nay giữa Azerbaijan và Armenia.
Cuộc đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan ở Tehran còn có sự tham dự của các Ngoại trưởng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong tuyên bố chung cuối cùng, các bên tham gia cuộc đàm phán đã nhắc lại “tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ.”
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiết lộ rằng cuộc đàm phán sắp tới đã được lên kế hoạch tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vào “nửa đầu năm sau” nhằm tìm kiếm hòa bình tại khu vực Kavkaz.
Trong tuyên bố được đăng ngày 23/10 trên nền tảng truyền thông xã hội X, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan hoan nghênh các cuộc đàm phán ở Tehran và bày tỏ hy vọng các cuộc hòa đàm sẽ “tạo động lực cho quá trình bình thường hóa và hòa bình” giữa hai nước.
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan nhưng có đa số người dân gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vào nước này. Vì thế, tại đây xảy ra tranh chấp chủ quyền dai dẳng.
Ngày 19/9 vừa qua, Azerbaijan đã triển khai chiến dịch quân sự tại Nagorny-Karabakh.
Một ngày sau đó, với vai trò trung gian của Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại đây, đại diện Azerbaijan và lực lượng vũ trang người gốc Armenia tại vùng lãnh thổ này đã đạt được thỏa thuận chấm dứt các hành động thù địch, theo đó lực lượng người gốc Armenia đã đồng ý giải giáp./.