Ngày càng có nhiều phụ nữ nắm giữ các vị trí ra quyết định chính trị trên toàn thế giới, tuy nhiên sự bình đẳng giới vẫn còn xa vời. Đó là nhận định được Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc cùng đưa ra trong báo cáo công bố ngày 7/3.
Báo cáo trên đưa ra bảng xếp hạng mới nhất và sự phân bố theo khu vực của những quốc gia có nữ giới đảm nhiệm các vị trí quản lý hành pháp và tham gia quốc hội tính đến ngày 1/1/2023.
Kết quả cho thấy số phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo chính trị nói chung đã tăng lên. Tuy nhiên, sự hiện diện của nữ giới ở các vị trí lãnh đạo cấp cao trong chính phủ hoặc với tư cách là người đứng đầu nhà nước và chính phủ vẫn còn rất ít.
Theo báo cáo, ở thời điểm đầu năm 2023, có 11,3% số các quốc gia trên thế giới có phụ nữ đứng đầu nhà nước (không bao gồm các quốc gia theo chế độ quân chủ) và 9,8% có phụ nữ đứng đầu chính phủ. Những con số này đều đã tăng so với một thập kỷ trước, khi các thống kê này lần lượt ở mức 5,3% và 7,3%.
Báo cáo trên đã chỉ ra rằng hiện chỉ có 13 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu, có nội các bình đẳng giới, với 50% số thành viên nội các là phụ nữ giữ chức vụ từ bộ trưởng trở lên. Trong khi đó, vẫn còn 9 quốc gia không có thành viên nội các là nữ giới.
Theo báo cáo, giới chức là nam giới tiếp tục chiếm ưu thế trong các lĩnh vực chính sách như kinh tế, quốc phòng, tư pháp và nội vụ.
Trong khi đó, nữ giới chỉ chiếm 12% trong số các vị trí bộ trưởng phụ trách đầu tư quốc phòng và chính quyền địa phương, 11% phụ trách vấn đề năng lượng, nhiên liệu tài nguyên thiên nhiên và khai thác mỏ và 8% phụ trách lĩnh vực giao thông.
Tổng Thư ký IPU Martin Chungong nhấn mạnh: "Chúng ta đang chứng kiến sự tiến bộ không ngừng về số lượng phụ nữ tham gia chính trị trong năm nay, điều này rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt được bình đẳng giới, nếu xét theo tốc độ tăng trưởng hiện tại".