Ngày 30/5, một ngọn núi lửa ở miền Tây Indonesia đã phun trào, gây ra cột tro bụi cao 2km trên bầu trời.
Chính quyền địa phương cảnh báo người dân đề phòng nguy cơ tiềm ẩn từ dòng dung nham lạnh.
Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) cho biết núi lửa Marapi ở tỉnh Tây Sumatra phun trào vào khoảng 13h04 chiều cùng ngày.
Đây là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia và đã được đặt ở mức cảnh báo cao thứ 2 trong hệ thống 4 cấp cảnh báo của Indonesia trong nhiều tuần qua.
Chính quyền địa phương liên tục khuyến cáo người dân tránh đi đến khu vực cấm trong phạm vi 4,5km xung quanh miệng núi lửa.
Người phát ngôn BNPB Abdul Muhari kêu gọi người dân địa phương cảnh giác trước các nguy cơ tiềm ẩn từ dòng dung nham lạnh sau vụ phun trào.
Theo đó, người dân được khuyến khích tránh xa các khu vực sông bắt nguồn từ núi lửa Marapi và cảnh giác với những mối nguy hiểm tiềm tàng có thể xảy ra do dung nham lạnh, đặc biệt là khi trời mưa.
Dung nham lạnh, còn được gọi là lahar ở Indonesia, là hỗn hợp của các vật liệu núi lửa như tro, cát và sỏi theo mưa đổ xuống sườn núi lửa.
Trong tháng này, mưa lớn cũng đã xảy ra, cuốn theo những vật liệu núi lửa tràn vào các quận gần Marapi, khiến hơn 60 người thiệt mạng, phá hủy hàng chục ngôi nhà, làm hư hại đường sá và nhiều công trình khác.
Người đứng đầu cơ quan địa chất Muhammad Wafid kêu gọi người dân đeo khẩu trang để phòng ngừa các vấn đề về hô hấp và dọn sạch tro núi lửa khỏi mái nhà để tránh bị sập.
Với vị trí nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, Indonesia thường xuyên chịu tác động của các hoạt động địa chấn và núi lửa.
Vào tháng 12/2023, núi lửa Marapi cũng đã phun trào một tháp tro cao 3km lên bầu trời. Ít nhất 24 người leo núi, hầu hết là sinh viên đại học, đã thiệt mạng trong vụ phun trào này./.