Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati ngày 17/4 cho biết đã thảo luận với ông Raja Kumar người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), về việc thúc đẩy Indonesia trở thành thành viên đầy đủ của FATF.
Theo bà Sri Mulyani, cuộc thảo luận với ông Raja Kumar đã diễn ra bên lề Hội nghị mùa xuân 2023 của nhóm Ngân hàng thế giới (WBG) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ ngày 10-16/4 tại Washington, Mỹ.
Bà Sri Mulyani cho rằng việc trở thành thành viên đầy đủ của FATF sẽ có tác động tốt đối với nền kinh tế của Indonesia, cũng như khẳng định vai trò, trách nhiệm của Indonesia đối với nền tài chính khu vực và toàn cầu.
Tham gia FATF sẽ cho thấy Indonesia có nền tài chính ổn định, tích cực và thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Vào năm 2022, Indonesia đã trải qua đánh giá (MER) của FATF về khả năng trở thành thành viên chính thức của nhóm này.
Theo bà Sri Mulyani, Bộ Tài chính đã đề xuất tham gia FATF từ năm 2017. Ban thư ký FATF hỗ trợ để Indonesia chính thức trở thành thành viên của FATF, dự kiến vào tháng 6/2023.
Một số ưu tiên chiến lược của FATF phù hợp với các ưu tiên phát triển của Indonesia.
Trước đó, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh Mahfud MD bày tỏ lạc quan rằng Indonesia sẽ chính thức trở thành thành viên FATF vào tháng 6/2023.
Theo ông Mahfud MD, Indonesia gần như đã hoàn thành tất cả các giai đoạn để gia nhập FATF, bao gồm việc hoàn thành các kế hoạch hành động ưu tiên về tịch thu tài sản cũng như thông qua Dự luật tịch thu tài sản thành luật.
Ông Mahfud MD nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhận được tin từ Bộ trưởng Tài chính và được thông báo rằng các kế hoạch hành động về các quy định tài sản và những vấn đề khác liên quan đến TPPU (xóa bỏ rửa tiền) có thể được hoàn thành vào ngày 21/4."
Các kế hoạch hành động sẽ được thảo luận với tất cả các thành viên FATF tại phiên họp toàn thể vào tháng Sáu tới./.