Anh Yose Rizal (43 tuổi), sống tại huyện Tanah Datar, tỉnh Tây Sumatra, đã không cầm được nước mắt khi đặt hoa lên mộ của chị gái và cháu gái mình, những người đã thiệt mạng trong trận lũ quét vừa qua. Ba người thân của anh Yose vẫn đang mất tích.
Vào thời điểm xảy ra thảm họa (tối 13/5), gia đình anh Yose đang có buổi họp mặt các thành viên.
“Trận lũ ập đến quá đột ngột, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển tới nơi an toàn”, anh Yose chia sẻ với hãng tin Reuters. “Bố mẹ tôi cũng đã có mặt tại buổi họp mặt gia đình tối hôm đó, nhưng họ đã may mắn sống sót”, anh nói.
Ngày 16/5, nhà chức trách Indonesia cho biết, số người thiệt mạng do lũ quét và lở đất cuối tuần qua đã tăng lên 67 người, 20 người khác vẫn đang mất tích. Chính phủ nước này có kế hoạch di dời những người sống sót tới các khu vực an toàn hơn.
Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) cho biết 5 người mất tích theo báo cáo trước đó đã được tìm thấy trong tình trạng tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng lên 67 người. Hơn 4.000 người đã được sơ tán đến các tòa nhà gần đó và các khu trú ẩn tạm thời.
Ít nhất 521 ngôi nhà, 31.985ha đất gồm ruộng lúa, 19 cây cầu và hầu hết các trục đường chính đều đã bị phá hủy.
Người đứng đầu BNPB, ông Suharyanto tuyên bố Chính phủ Indonesia dự tính sẽ di dời người dân hiện đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở hoặc lũ quét và những hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng.
BNPB cùng chính quyền tỉnh Tây Sumatra đang thu thập dữ liệu về số người cần được di tản và đang tìm kiếm các khu vực an toàn hơn để tiến hành xây dựng nơi ở mới cho người dân.
Theo ông Suharyanto, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm cung cấp đất và xây dựng nhà ở cho người dân, dự kiến hoàn thành trong 6 tháng. Tuy nhiên, chưa rõ thời điểm tiến hành di dời.
Những trận mưa lớn cuối tuần qua đã kéo theo các đợt lũ quét, sạt lở và dung nham lạnh (một dòng chảy giống bùn được tạo nên bởi tro núi lửa, sỏi đá và nước mưa), gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới 3 huyện và 1 thị xã tại tỉnh Tây Sumatra.
Dòng dung nham lạnh (còn được gọi là lahar) chảy xuống từ Marapi - một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất tại Indonesia. Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, ngọn núi lửa này đã bất ngờ phun trào khiến hơn 20 người thiệt mạng. Kể từ thời điểm đó, các vụ phun trào khác vẫn tiếp tục xảy ra tại đây.
Cùng với sự hỗ trợ từ lực lượng cảnh sát và quân đội, BNPB sẽ tiếp tục tìm kiếm những người mất tích và dọn dẹp các trục đường chính trong 7 ngày tới.