Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở phía nam thủ đô London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, các cuộc khủng hoảng có tính chất củng cố lẫn nhau, bao gồm cả mức nợ gia tăng, đang ảnh hưởng không đồng đều đến các nước đang phát triển, làm trầm trọng thêm tình trạng phân chia việc làm toàn cầu giữa các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập thấp, đồng thời làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng hiện có do đại dịch Covid-19.
Trong khi tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu vào năm 2023 dự kiến sẽ giảm xuống dưới mức trước đại dịch (xuống còn 191 triệu người - tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu là 5,3%), nhưng các quốc gia có thu nhập thấp vẫn còn rất xa trong quá trình phục hồi.
Các quốc gia thu nhập thấp phải đối mặt với tỷ lệ chênh lệch việc làm lớn nhất ở mức đáng báo động 21,5%, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia thu nhập trung bình là hơn 11%. Các quốc gia có thu nhập cao đăng ký tỷ lệ thấp nhất ở mức 8,2%.
Đối với các nước đang phát triển, mức nợ gia tăng tạo thêm thách thức, thu hẹp đáng kể phạm vi can thiệp chính sách.
Những hạn chế về tài chính và ngân sách cản trở việc ứng phó với các mối đe dọa phức tạp, bao gồm xung đột, thiên tai và khủng hoảng kinh tế, làm trầm trọng thêm khoảng cách việc làm.
Theo báo cáo, các nước đang phát triển có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh nợ nần đang phải đối mặt với khoảng cách việc làm cao hơn đáng kể, lên tới 25,7% vào năm 2023, so với 11% ở các nước đang phát triển có nguy cơ mắc nợ thấp.
Báo cáo cũng nêu bật những lỗ hổng đáng kể trong chính sách bảo trợ xã hội ở các nước đang phát triển và cung cấp bằng chứng mới cho thấy việc tăng đầu tư sẽ mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và việc làm lớn, đồng thời thu hẹp khoảng cách việc làm toàn cầu.
Báo cáo xem xét lương hưu cơ bản dành cho người cao tuổi, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và thu nhập thấp, nơi chỉ có 38,6% và 23,2% người cao tuổi nhận lương hưu, so với 77,5% trên toàn cầu.
Việc tài trợ cho bảo trợ xã hội là một thách thức, nhưng không phải là không thể đạt được. Đối với các nước đang phát triển, chi phí hằng năm để cung cấp lương hưu cho người già ở mức chuẩn nghèo quốc gia sẽ tương đương với 1,6% GDP của họ.
Theo ILO, hợp tác quốc tế nhằm tăng cường việc làm và bảo trợ xã hội có thể giúp giải quyết sự chênh lệch ngày càng tăng giữa các quốc gia có thu nhập cao và thấp.
Ông Gilbert F. Houngbo - Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh, những phát hiện của báo cáo này là một lời nhắc nhở rõ ràng về sự bất bình đẳng toàn cầu đang gia tăng. Đầu tư vào con người thông qua việc làm và bảo trợ xã hội sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia và người dân.
Đây là lý do tại sao ILO thành lập Liên minh Toàn cầu vì Công bằng Xã hội. Liên minh sẽ tập hợp nhiều cơ quan đa phương và các bên liên quan.
Nó sẽ giúp định vị công bằng xã hội là yếu tố then chốt của quá trình phục hồi toàn cầu, đồng thời đặt vấn đề này trở thành ưu tiên trong các chính sách và hành động của quốc gia, khu vực và toàn cầu.