Ngày 4/6, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định nhiều quốc gia còn cách xa mục tiêu tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030, vốn đã được nhất trí trong các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc về khí hậu nhằm hạn chế tình trạng Trái Đất nóng lên.
Kết quả phân tích của IEA về chính sách, kế hoạch và ước tính của gần 150 quốc gia trên thế giới cho thấy công suất năng lượng tái tạo toàn cầu có thể đạt 8.000GW trong 6 năm.
Con số này thấp hơn nhiều so với mức 11.000GW đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào cuối năm ngoái nhằm đạt mục tiêu kiềm chế đà tăng nhiệt của Trái Đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong một tuyên bố, cơ quan có trụ sở tại Paris đánh giá kế hoạch triển khai của các nước chưa phù hợp với mục tiêu then chốt đã đặt ra tại COP28.
Tuy nhiên, chính phủ các nước có nhiều công cụ để “tăng tốc” trong những tháng tới, thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). NDC là những mục tiêu do mỗi nước đặt ra nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Giám đốc Điều hành IEA Fatih Birol cho rằng mục tiêu tăng gấp 3 công suất tái tạo nói trên là tham vọng, nhưng có thể đạt được chỉ khi các chính phủ nhanh chóng biến cam kết thành kế hoạch hành động.
Kể từ khi Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu được ký năm 2015, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo lắp đặt trên toàn cầu tăng trung bình 11%/năm trong khi giá giảm mạnh.
Theo báo cáo trước đó, IEA cho biết riêng năm ngoái, công suất tăng thêm gần 510GW, tức tăng 50% so với năm 2022 và là mức tăng nhanh nhất trong 20 năm qua.