Giá cà phê tiếp tục xu hướng giảm
Báo cáo mới nhất của ICO cho thấy, giá cà phê thế giới được theo dõi và tổng hợp bởi ICO (I-CIP) đã giảm 0,9% trong tháng 9 xuống còn trung bình 153,1 US cent/pound, tương ứng với mức giá dao động trong khoảng 148 – 160,2 US cent/pound.
Trong đó, giá trung bình của nhóm cà phê arabica Colombia và arabica khác giảm 1,4% và 1,7%, xuống lần lượt 185 US cent/pound và 183,5 US cent/pound.
Giá cà phê arabica Brazil và robusta giảm nhẹ 0,3% và 0,6%, đạt 154,2 US cent/pound và 123,9 US cent/pound. Như vậy, giá cà phê robusta vẫn trên ngưỡng 120 US cent/pound và gần mức kỷ lục đạt được trước đó.
Diễn biến giá cà phê thế giới từ tháng 9/2021 đến tháng 9/2023
Tại thị trường kỳ hạn New York, giá arabica giao dịch trên sàn ICE đã giảm 1,9% trong tháng vừa qua, xuống còn 153,6 US cent/pound. Tương tự, giá robusta kỳ hạn trên thị trường London đạt 109,1 US cent/pound, giảm 2%.
Chênh lệch giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn tiếp tục thu hẹp 1,8% xuống còn 44,4 US cent/pound, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2019.
Tồn kho cà phê trên hai sàn giao dịch biến động trái chiều, với robusta chứng nhận trên sàn London tăng 25,7% lên 0,73 triệu bao (loại 60 kg/bao), trong khi tồn kho arabica trên sàn New York giảm 13,8% xuống 0,49 triệu bao.
Tồn kho cà phê được chứng nhận tại London và New York từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023
ICO cho biết, có nhiều yếu tố tác động đến giá cà phê trong tháng 9 bao gồm xuất khẩu cà phê tăng trở lại, biến động tiền tệ, tâm lý thị trường, nguồn cung suy giảm và biến động của thời tiết.
Từ ngày 22/8 đến ngày 19/9, giá cà phê thế giới có xu hướng phục hồi và tăng 7,6% từ 148,8 US cent/pound lên 160,2 US cent/pound. Các báo cáo về mưa lớn ở Brazil và lượng hàng tồn kho được chứng nhận trên sàn ICE tại New York giảm đã tác động tích cực đến giá cà phê thế giới, đặc biệt là arabica Brazil tăng 8,1% trong thời gian này.
Tuy nhiên, sau đó giá cà phê đã đảo chiều và giảm trở lại do sự suy yếu của đồng nội tệ Brazil thúc đẩy các hoạt động bán ra từ nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới này.
Từ ngày 19 đến ngày 29/9, đồng Real đã giảm 3,2% từ 4,87 Real/USD xuống 5,03 Real/USD, kéo theo giá cà phê thế giới (ICIP) giảm 7,1% trong quãng thời gian kể trên. Đà giảm giá này được ghi nhận chủ yếu trên cà phê arabica (-8,1%) và đặc biệt là arabica Brazil giảm 9,3% so với mức giảm 5,9% của cà phê robusta.
Giá cà phê robusta giảm với tốc độ tương đối chậm hơn do nguồn cung hiện tại của Việt Nam đang cạn dần, nguồn cung từ vụ thu hoạch 2023-2024 sớm nhất phải đến tháng 11 mới được đưa vào thị trường.
Xuất khẩu cà phê khởi sắc trở lại
Theo số liệu của ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 8 đã tăng tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 10,3 triệu bao. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (22/10/2022 đến 23/8/2023) xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn giảm 5,1% (6,1 triệu bao) so với cùng kỳ niên vụ trước xuống mức 114 triệu bao.
Về chủng loại, cà phê nhân xanh chiếm 91% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 8 với gần 9,4 triệu bao, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Tính từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 8 năm nay, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 102,9 triệu bao, giảm 5% so với niên vụ trước.
Trong tháng 8, xuất khẩu nhóm cà phê nhân xanh arabica Brazil tăng 10,2% lên gần 3,1 triệu bao. Brazil nước xuất khẩu chính của nhóm này đã ghi nhận mức tăng 27,6% lên 3,3 triệu bao. Mặc dù vậy, tính từ đầu niên vụ đến nay xuất khẩu nhóm cà phê arabica Brazil vẫn giảm 8%, đạt 31,5 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê nhân xanh thế giới trong 11 tháng đầu niên vụ 2019-2020 đến 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 8/2023)
Xuất khẩu cà phê robusta cũng tăng 7,3% lên 3,5 triệu bao trong tháng 8. Đây đã là tháng tăng trưởng dương thứ năm liên tiếp của nhóm cà phê robusta, và nhờ đó xuất khẩu nhóm cà phê này trong 11 tháng đầu niên vụ đã tăng 4,2% so với cùng kỳ lên 40,9 triệu bao.
Ngược lại, xuất khẩu arabica Colombia giảm 2,1% xuống 0,8 triệu bao trong tháng 8. Chủ yếu là do Colombia, quốc gia xuất khẩu chính của nhóm cà phê này sụt giảm 5,6%, đánh dấu tháng tăng trưởng âm thứ 14 liên tiếp. Do đó, xuất khẩu arabica Colombia trong 11 tháng đầu vụ 2022-2023 đã giảm 12,5% so với cùng kỳ, ở mức 9,9 triệu bao.
Xuất khẩu nhóm arabica khác cũng giảm 9,7% trong tháng 8 và giảm 12,2% trong 11 tháng đầu niên vụ hiện tại xuống còn hơn 20,5 triệu bao.
Với sự sụt giảm kể trên, tỷ trọng của arabica trong tổng xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu trong 11 tháng đầu niên vụ 2022-2023 đã giảm xuống còn 60,1% so với 63,7% của cùng kỳ. Trong khi tỷ trọng của robusta tăng từ 36,3% lên 39,9%.
Tỷ trọng cà phê arabica và robusta trong tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh sau 11 tháng đầu niên vụ 2019-2020 đến 2022-2023
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê hòa tan giảm 4,6% trong tháng 8 và giảm 5,7% sau 11 tháng đầu niên vụ, xuống còn 10,4 triệu bao. Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới với 0,3 triệu bao trong tháng 8. Cà phê hòa tan chiếm 8,6% trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu, giảm so với mức tỷ trọng 9,2% của cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, xuất khẩu cà phê đã rang giảm tới 39,9% trong tháng 8 xuống còn 58.226 bao. Lũy kế từ đầu niên vụ đến nay xuất khẩu mặt hàng này đạt 0,7 triệu bao, giảm so với 0,8 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước.
Cơ cấu mặt hàng cà phê xuất khẩu toàn cầu trong 11 tháng đầu niên vụ 2019-2020 đến 2022-2023
Nam Mỹ và châu Phi đẩy mạnh xuất khẩu cà phê robusta
Trong tháng 8, xuất khẩu cà phê các loại của khu vực Nam Mỹ tăng 13% lên gần 5 triệu bao. Đây là tốc độ tăng trưởng tích cực đầu tiên của khu vực kể từ mức tăng 0,3% vào tháng 6/2022.
Đà tăng này chủ yếu đến từ Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới đã xuất khẩu gần 3,7 triệu bao trong tháng 8, tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu robusta tăng đột biến 388,1% lên mức kỷ lục 0,7 triệu bao.
Nước sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất Nam Mỹ đã tận dụng khá tốt cơ hội từ thị trường khi khối lượng cà phê robusta từ Việt Nam đang giảm dần về cuối vụ.
Còn trên bình diện toàn cầu, Brazil là nước xuất khẩu robusta lớn thứ năm thế giới trong niên vụ 2021-2022 với 1,87 triệu bao, xếp sau Việt Nam (25,44 triệu bao), Uganda (4,9 triệu bao), Ấn Độ (4,3 triệu bao) và Indonesia (4,03 triệu bao).
Tuy nhiên, trong tháng 8/2023 xuất khẩu cà phê robusta của Brazil chỉ đứng sau Việt Nam (1,34 triệu bao) với khối lượng tương đương con số xuất khẩu trung bình trong 4 tháng rưỡi của niên vụ 2021-2022.
Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 11 tháng đầu niên vụ 2019-2020 đến 2022-2023
Xuất khẩu cà phê từ châu Phi cũng ghi nhận mức tăng 10,9% trong tháng 8 lên gần 1,4 triệu bao. Trong 11 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuất khẩu đạt tổng cộng 10,8 triệu bao giảm 1,5% so với niên vụ trước.
Đây đã là tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp của khu vực khi mà nhu cầu toàn cầu tiếp tục tăng đối với robusta. Cũng giống như khu vực Nam Mỹ, các quốc gia châu Phi đã hưởng lợi từ khối lượng xuất khẩu giảm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt là Việt Nam.
Uganda, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất châu Phi, đã tận dụng cơ hội để lấp đầy khoảng trống trên thị trường mà Việt Nam để lại, với khối lượng xuất khẩu tăng tới 48,4% lên hơn 0,7 triệu bao trong tháng 8, mức cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 3/1973.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê các loại từ khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm khá mạnh 14,9% xuống còn 2,7 triệu bao trong tháng 8, nhưng lại tăng 1,3% lên 41,28 triệu bao trong 11 tháng đầu năm cà phê 2022/23.
Trong tháng 8, xuất khẩu cà phê của Việt Nam - nước sản xuất lớn nhất trong khu vực đã giảm 23,6%, xuống còn 1,4 triệu bao so với gần 2 triệu bao của cùng kỳ. Đây là tháng xuất khẩu thấp nhất trong tháng 8 kể năm 2012.
Sự sụt giảm này của Việt Nam có thể là do nguồn cung sẵn có cạn kiệt. Trong 10 tháng đầu niên vụ hiện tại (từ tháng 10 đến tháng 7/2023) Việt Nam đã xuất khẩu gần 26 triệu bao cà phê, cao hơn 3,3% so với cùng kỳ niên vụ 2017-2018, niên vụ xuất khẩu kỷ lục của nước này.
Tại Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu của khu vực giảm 2% trong tháng 8 và giảm 2,6% trong 11 tháng đầu niên vụ, đạt 14,6 triệu bao.
Theo đó, xuất khẩu của Honduras và Nicaragua tăng tổng cộng 37,2% trong tháng 8, trong khi ba quốc gia khác là Costa Rica, Guatemala và Mexico lại giảm tổng cộng 20,5%.
Honduras và Nicaragua đang có lợi thế cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác trong khu vực khi giá xuất khẩu trung bình arabica của hai nước này chỉ khoảng 157 US cent/pound trong niên vụ 2017-2018 đến 2021-2022, thấp hơn 63 US cent/pound so với mức 220 US cent/pound của các nước khác (trừ Cuba, Haiti và Jamaica).