Các thẩm phán của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ngày 30/3 ra phán quyết rằng Washington đã sai khi cho phép các tòa án phong tỏa tài sản của các công ty Iran, đồng thời yêu cầu Mỹ đền bù thiệt hại, mức đền bù sẽ được quyết định sau.
Tuy nhiên, ICJ đã không phán quyết về số tài sản 1,75 tỷ USD bị đóng băng của ngân hàng trung ương Iran. Đây là khoản tiền lớn nhất mà Iraq muốn đòi lại.
Vụ kiện trên được Tehran đưa ra từ năm 2016 với cáo buộc Washington vi phạm Hiệp định thân thiện năm 1955 khi các tòa án Mỹ cho phép đóng băng tài sản của các công ty Iran.
Trong phiên tòa năm 2022, phía Mỹ kêu gọi ICJ hủy bỏ vụ kiện, tuy nhiên tòa án đã bác bỏ đề nghị này và phán quyết hiệp định thân thiện vẫn còn hiệu lực.
Hiệp định thân thiện Mỹ-Iran được ký kết rất lâu trước cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, sự kiện ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.
Washington đã rút khỏi hiệp định này năm 2018, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, tòa ICJ đã phán quyết rằng vì hiệp định vẫn có hiệu lực vào thời điểm Mỹ phong tỏa tài sản của các công ty và thực thể thương mại Iran nên Washington đã vi phạm hiệp định.
Các thẩm phán cũng giải thích rằng tòa không có thẩm quyền phán xử đối với khối tài sản trị giá 1,75 tỷ USD của ngân hàng trung ương Iran, hiện đang bị Mỹ đóng băng, vì ngân hàng này không phải là một thực thể thương mại nên không được hiệp định trên bảo vệ.
Các phán quyết của tòa ICJ, tòa án cấp cao nhất của Liên hợp quốc có tính ràng buộc, song không có biện pháp chế tài.
Mỹ và Iran nằm trong số rất ít quốc gia đã từng không tuân thủ các quyết định của tòa trong quá khứ./.