Thiết bị làm giàu urani tại cơ sở hạt nhân Natanz, cách thủ đô Tehran của Iran khoảng 300km về phía Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 16/9, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã chỉ trích động thái "chưa từng có" của Iran khi ngăn cản nhiều thanh tra viên được giao nhiệm vụ đến làm việc ở nước Cộng hòa Hồi giáo, gây trở ngại cho IAEA việc giám sát hoạt động hạt nhân của Tehran.
Trong tuyên bố đăng trên trang web của IAEA, Tổng Giám đốc Grossi đã chỉ trích "biện pháp đơn phương không cân xứng và chưa từng có" của Iran.
Theo ông, đây là động thái ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động thanh sát thông thường của IAEA ở Iran và mâu thuẫn trong sự hợp tác vốn có giữa IAEA và Iran.
Tổng Giám đốc IAEA xác nhận trước đó cùng ngày đã nhận được thông báo của Iran về quyết định không chấp nhận việc chỉ định nhiều thanh sát viên có kinh nghiệm của IAEA được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động thanh sát ở Iran theo Thỏa thuận bảo vệ Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT).
Ông Grossi đã kêu gọi Chính phủ Iran xem xét lại quyết định này và trở lại hợp tác với IAEA.
Động thái của Tehran được xem là phản ứng trước lời kêu gọi của Mỹ và nhóm ba nước châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức hôm 13/9, kêu gọi IAEA đưa ra nghị quyết mới, yêu cầu Iran hợp tác với các hoạt động thanh sát của cơ quan này, đồng thời giải thích về "dấu vết của uranium" được phát hiện tại 2 địa điểm chưa được khai báo tại Iran.
Bốn quốc gia phương Tây cho rằng nếu Iran không thực hiện, Hội đồng Thống đốc IAEA cần phải sẵn sàng đưa ra biện pháp hành động mới./.