Đời sống

Huyện vùng sâu ở Đắk Nông nỗ lực xóa định kiến về giới

A Trư 28/10/2024 20:31

Huyện Đắk Glong, Đắk Nông từng bước xóa bỏ định kiến về giới trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Huyện Đắk Glong có 7 xã với 61 thôn, bon, dân số khoảng 84.000 người, 34 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào các DTTS như Mạ, M’nông, Mông, Tày, Nùng, Dao… chiếm 60% dân số toàn huyện. Những năm gần đây, huyện đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện.

Trong đó, các cấp của Hội LHPN huyện Đắk Glong đã tích cực triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719) với nhiều hoạt động thiết thực.

z5974629701670_a0a5a1f4c84bafa5f08b320d6bb3d433(1).jpg
Ra mắt Địa chỉ tin cậy bình đẳng giới tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông

Hội LHPN các cấp huyện Đắk Glong đã chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Trong đó, các cấp hội chú trọng tập huấn lồng ghép giới, đối thoại chính sách; thành lập và duy trì tổ truyền thông cộng đồng, địa chỉ tin cậy ở cơ sở.

Với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện Dự án 8, Hội LHPN huyện Đắk Glong đã triển khai tại nhiều thôn, bon thuộc 7 xã trên địa bàn huyện, tập trung vào đối tượng thụ hưởng là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Thực hiện Dự án 8, các cấp của Hội LHPN của huyện Đắk Glong đã phối hợp với các xã thành lập được 37 tổ truyền thông cộng đồng với 380 người tham gia; 2 địa chỉ tin cậy cộng đồng tại xã Đắk Som, Đắk Ha; 7 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi với 47 giáo viên và cán bộ hội cấp xã; 5 tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã) ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và kết nối thị trường; mở 12 lớp tập huấn tại 7 xã với 665 người tham gia tập huấn kiến thức về bình đẳng giới...

Những người tham gia các tổ, mô hình, CLB gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, bon, trưởng các tổ chức đoàn thể của thôn, bon; người có uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo; người dân; học sinh THCS, THPT…

Các cấp hội tập trung vào tuyên truyền 4 nội dung gồm: Hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.

Thứ hai, xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.

Thứ ba, bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

Thứ tư, trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị; già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Công tác tuyên truyền chú trọng vào những vấn đề nổi cộm như phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống mua bán người; phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống đuối nước… Ngoài hình thức tuyên truyền trực tiếp, các tổ còn linh hoạt truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh, bảng tin, nhóm zalo, facebook…

Góp phần thay đổi nhận thức về giới

Qua một thời gian triển khai thực hiện Dự án 8, bước đầu góp phần làm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa còn lạc hậu. Đồng thời, các hoạt động đã thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng.

Anh K’Chem ở bon Ting Wel Đăng, xã Đắk Ha, Đắk Glong chia sẻ: Gia đình mình sinh 2 đứa con gái, bà nội nói vợ chồng mình nên sinh thêm 1 con trai. Thế nhưng qua những buổi tham dự tuyên truyền về Kế hoạch hóa gia đình do xã, bon tổ chức, mình biết sinh đẻ nhiều thì không có thời gian đi làm vườn rẫy, cuộc sống khó khăn. Từ đó, vợ chồng mình quyết định không sinh con thêm nữa, dù trai hay gái cũng không sao, chỉ sinh 2 đứa, nuôi con ăn học đầy đủ là được rồi.

Chị Sùng Thị Di ở thôn 3, xã Đắk Som cho biết: Sau khi tham gia CLB phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tôi đã biết kết hôn sớm là ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con, kết hôn cận huyết thống sẽ ảnh hưởng đến giống nòi, sự phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ. Do vậy, tôi vận động các phụ huynh, thanh niên trong thôn không lấy vợ, chồng sớm, không kết hôn với họ hàng gần như (con của cô lấy con của cậu hoặc con của cậu lấy con của cô).

Là một trong những người tham gia tích cực vào Tổ truyền thông cộng đồng, chị Đàm Bích Vân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 6, xã Quảng Hòa, huyện huyện Đắk Glong cho hay, thời gian qua, chi hội phụ nữ thôn phối hợp với Hội Phụ nữ xã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, lồng ghép những kiến thức về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới đến với đông đảo hội viên và Nhân dân. Từ đó, người dân đã hiểu biết và nâng cao vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình, nhất là cánh đàn ông và những người lớn tuổi.

"Các gia đình hội viên trong chi hội, nhất là các cặp vợ chồng trẻ, giờ họ chỉ sinh 2 con, rất chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế. Thậm chí, nhiều cặp vợ chồng kiên quyết không nghe theo lời bố mẹ phải sinh thêm con hoặc sinh bằng được con trai", chị Vân chia sẻ.

z5937919685214_e938196a4e355e2e80364ff7d108db86(1).jpg
Người dân, đồng bào DTTS ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, Đắk Nông tham gia lớp tuyên truyền về bình đẳng giới

Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Glong H'Mhel khẳng định: Từ việc tăng cường công tác truyền thông đã làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên và Nhân dân về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Hiện nay, 7 xã đều thực hiện Dự án 8 một cách hiệu quả. Nhờ vậy, vị trí, vai trò của người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đồng bào DTTS đang dần được khẳng định…

bà H

Trong thời gian tiếp theo, để ngăn chặn bạo hành giới, bạo lực gia đình, nạn xâm hại tình dục, tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS, Hội LHPN huyện Đắk Glong phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông tiếp tục triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

Trong đó, Hội LHPN huyện Đắk Glong tập trung vào các chuyên đề như: bình đẳng giới; kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kỹ năng phát hiện và tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, công chức, viên chức và bí thư chi bộ, trưởng thôn, bon, già làng, người có uy tín...

Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi nếp nghĩ cách làm; thường xuyên xây dựng và thực hiện các chương trình phát thanh, truyền thanh trên hệ thống loa phát thanh xã.

Các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em cũng được chú trọng.

Các mô hình điểm; xây dựng, thành lập mới các mô hình tổ truyền thông cộng đồng, mô hình “Địa chỉ tin cậy”, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được triển khai rộng khắp đến tận cơ sở. Hội LHPN huyện chú trọng tổ chức các cuộc đối thoại chính sách ở cấp xã và cụm thôn, bon đặc biệt khó khăn.

Hội LHPN huyện Đắk Glong chủ trì thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình 1719 trên địa bàn huyện. Tổng số vốn giao các năm 2022, 2023 và 2024 là 3,48 tỷ đồng. Đến tháng 6/2024, đơn vị đã giải ngân được 1,219 tỷ đồng.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Huyện vùng sâu ở Đắk Nông nỗ lực xóa định kiến về giới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO