Huyện vùng biên ở Đắk Nông "ngoại hóa" để nâng cao chất lượng đàn bò
Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đang từng bước cải tạo đàn bò bằng giống bò lai chất lượng cao, giúp phát huy các lợi thế chăn nuôi trên địa bàn.
Năm 2021, anh Hà Trung Hiếu, ở thôn 1, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, đầu tư xây dựng chuồng trại, mua bò giống về nuôi. Đến nay, anh Hiếu đang chăn nuôi, gây đàn hơn 150 con bò. Trong đó, có nhiều con bò lai mang những ưu điểm vượt trội như bò 3B, bò lai Sind, Bradman...
Anh Hiếu cho biết, bò lai có nhiều ưu điểm như trưởng thành nhanh, trọng lượng lớn, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt ngon, thị trường ưa chuộng...
Những năm qua, anh đang tập trung gây đàn, tuyển lựa những giống tốt nhất, phù hợp tại địa phương để tập trung đầu tư, chăm sóc, giúp cải tạo đàn bò.
Để chủ động thức ăn cho bò, anh Hiếu trồng 16ha cỏ. Anh sử dụng phân bò trồng cà phê, mít, sầu riêng, mắc ca... Anh Hiếu đang đầu tư nuôi trùn quế bằng phân bò để xây dựng mô hình sản xuất khép kín.
Còn anh Đỗ Thanh Ân, ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, chăn nuôi bò được hơn 4 năm. Ban đầu, anh nuôi bò địa phương rồi dần lai tạo giống bò 3B và các giống bò khác. Từ đó, anh nâng cao giá trị và hiệu quả chăn nuôi bò. Hiện nay, đàn bò của anh có 7 con gồm giống bò lai Sind, 3B.
Anh Ân cho biết, các giống bò lai tạo có ưu điểm thịt ngon, trọng lượng lớn. Chăn nuôi bò vừa tận dụng phân sản xuất trùn quế để làm phân bón cho cà phê, hồ tiêu, vừa bán bò giống, bò thịt.
"Nuôi bò phù hợp cho nông dân như tôi, vì địa phương có nguồn phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp lớn. Để chủ động thức ăn chăn nuôi bò, tôi tận dụng bờ ao, đất trống trồng hơn 1ha cỏ", anh Ân chia sẻ.
Huyện Tuy Đức đang tiếp tục triển khai thực hiện chương trình cải tạo đàn bò thông qua việc lai tạo giống bò lai Sind. Đến nay, lượng bò lai trên địa bàn huyện đạt trên 90%. Tổng đàn bò của huyện đến nay khoảng 4.000 con, trong đó bò thịt khoảng 2.500 con, bò cái sinh sản 1.500 con.
Thực hiện chương trình cải tạo đàn bò địa phương, năm 2023, huyện Tuy Đức đã cấp 427 con giống lai Sind cho người dân. Kế hoạch của huyện đến năm 2025 cấp 1.000 con giống bò lai để cải tạo đàn bò, tạo sinh kế cho hộ nghèo.
Huyện Tuy Đức đang hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Ngành chức năng của huyện hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại kiên cố, đưa một số giống cỏ có năng suất, chất lượng vào trồng, bổ sung dinh dưỡng cho đàn vật nuôi.
Các ngành chức năng của huyện hỗ trợ, hướng dẫn người dân lựa chọn bò đực có tầm vóc to lớn, ngoại hình đẹp để phối giống với bò địa phương, giúp nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò trên địa bàn.
Huyện Tuy Đức đã xác định đối tượng chủ lực để cơ cấu lại đàn bò, heo, gia cầm. Huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng các biện pháp như: thụ tinh nhân tạo bò, heo; sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao vào chăn nuôi như heo đực Yorkshire, Duroc, Landrace; bò lai Sind, Bradman...
Ông Kiều Quí Diện, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức cho biết, người dân đang chuyển từ phương thức chăn nuôi truyền thống, phân tán, quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, tập trung.
\Huyện khuyến khích HTX, doanh nghiệp đầu tư liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích về môi trường.
Ông Diện cho biết, huyện định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng về sản lượng thịt, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Huyện tập trung vào các loại vật nuôi chính mà địa phương có thế mạnh.
Huyện giúp người chăn nuôi tận dụng tối đa các lợi thế của từng tiểu vùng để phát triển chăn nuôi và gắn sản xuất với nhu cầu thị trường để nâng cao thu nhập.