Đời sống

Huyện vùng biên Đắk Nông chỉ còn 1,89% hộ nghèo

Mỹ Hằng 09/01/2025 07:00

Huyện Đắk Song đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực để công tác giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

“Cần câu” để vươn lên thoát nghèo

Năm 2024, gia đình ông Nguyễn Văn Sáng, bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà được hỗ trợ 70 triệu đồng để làm nhà ở. Số tiền này là sự đóng góp của cán bộ, đảng viên, người dân trong bản và MTTQ xã.

dsc09531.jpg
Năm 2024, gia đình ông Nguyễn Văn Sáng (đứng giữa) ở bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song được hỗ trợ 70 triệu đồng để từng bước "an cư lạc nghiệp"

Gia đình ông Sáng có 6 đứa con đều độ tuổi đi học. Đất đai ít, chỉ có 5 sào trồng cây sao nên công việc chính của vợ chồng ông là làm thuê, làm mướn. Vài năm trước, gia đình ông Sáng được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ dê giống để phát triển chăn nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, đàn dê phát triển nhanh với số lượng hiện tại trên 50 con. Số dê này, vợ chồng ông không bán mà cố gắng chăn nuôi để gây dựng đàn cũng như phòng lúc cần cấp.

Đầu năm 2024, cán bộ bản Đầm Giỏ đã phối hợp kêu gọi hỗ trợ làm nhà ở cho gia đình ông Sáng. Ông Sáng cho biết: “Trước đây, tôi vốn làm thợ xây nên không thuê thợ mà tự bỏ công sức để làm nhằm tiết kiệm chi phí. Đến nay, căn nhà đã cơ bản xong phần thô. Tôi mong nhà sớm hoàn thiện để toàn tâm, toàn ý cố gắng lao động, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Gia đình chị Triệu Thị Phấy, bản Đắk Thốt là một trong số những hộ nghèo được hỗ trợ để thoát nghèo trong năm 2024 của xã Thuận Hà. Chồng chị Phấy không may gặp tai nạn và qua đời. Kể từ đó, cuộc sống của mẹ con chị Phấy càng khó khăn gấp bội phần, các con đứng trước nguy cơ phải nghỉ học.

Thực hiện mô hình “5 cán bộ, đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo”, năm 2024, chị Phấy đã được cán bộ, đảng viên, giáo viên và nhân viên Trường tiểu học - THCS Bế Văn Đàn hỗ trợ đóng góp hơn 7,5 triệu đồng mua 4 con heo giống để chăn nuôi.

Đồng thời, trường còn vận động các nhà hảo tâm tặng học bổng, sách vở, quần áo mới giúp các con của chị Phấy tiếp tục đến trường. Qua gần 1 năm triển khai, đến nay, đời sống của gia đình chị Phấy đã ổn định hơn trước.

dsc03038.jpg
Từ khi được hỗ trợ heo giống, gia đình chị Triệu Thị Phấy, bản Đắk Thốt, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống

Gia đình ông Sáng, chị Phấy là 2 trong số hàng trăm hộ nghèo được các cấp, ngành trên địa bàn huyện Đắk Song hỗ trợ giúp đỡ vươn lên thoát nghèo.

Với phương châm “trao cần câu không trao xâu cá”, ngay từ đầu năm 2024, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn huyện đã tiến hành rà soát, điều tra nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ gia đình để có phương án hỗ trợ thiết thực.

Đắk Song triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, mô hình “5 cán bộ, đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo”... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đắk Song đã giảm đáng kể.

Qua rà soát, năm 2024, toàn huyện Đắk Song có 398 hộ nghèo, với 1.619 khẩu, tỷ lệ còn 1,89% so với tổng số hộ dân trên địa bàn huyện. Trong đó, dân tộc thiểu số chung có 167 hộ, tỷ lệ còn 4,79%; dân tộc thiểu số tại chỗ có 109 hộ, tỷ lệ còn 6,11%. Huyện có 824 hộ cận nghèo, với 3.469 khẩu, tỷ lệ còn 3,92% so với tổng số hộ dân trên địa bàn huyện.

Nâng cao ý thức thoát nghèo

Mặc dù, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đắk Song đã giảm đáng kể, nhưng còn thiếu bền vững, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Nhiều địa phương tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao.

Xã Trường Xuân có 3 bon đông đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Các bon này đều được hưởng lợi từ nhiều chương trình, chính sách đặc thù về phát triển sinh kế, chăn nuôi. Các cơ quan, đơn vị của huyện, xã trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ về khoa học kỹ thuật, cây, con giống, phân bón, vật tư... nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đến nay, xã Trường Xuân vẫn còn khoảng 130 hộ nghèo.

Ông Trần Văn Tín, Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân cho biết: “Mặc dù địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhưng một bộ phận bà con dân tộc thiểu số tại chỗ vẫn còn tư tưởng ỷ lại, chưa muốn thoát nghèo. Chính suy nghĩ này là rào cản rất lớn trong giải quyết bài toán giảm nghèo bền vững của xã”.

dsc03074.jpg
Thời gian qua, nhiều hộ gia đình khó khăn ở huyện Đắk Song đã được hỗ trợ sinh kế, vươn lên thoát nghèo

Theo UBND huyện Đắk Song, thời gian tới, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao hơn, thực chất hơn, địa phương sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, các xã, thị trấn chú trọng khảo sát nguyên nhân hộ nghèo, phân loại đối tượng hộ nghèo để có sự giúp đỡ phù hợp, mang lại hiệu quả cao nhất. Các cấp, ngành của huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chương trình, chính sách đặc thù của Trung ương, tỉnh, địa phương dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đắk Song tiếp tục phát huy mô hình “5 cán bộ, đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo” nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cán bộ, đảng viên và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác giảm nghèo bền vững.

Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi thói quen, tư duy trong phát triển kinh tế được xem là giải pháp căn cơ, quan trọng nhất.

Ông Nguyễn Lê Giang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đắk Song cho hay: “MTTQ các cấp huyện tiếp tục huy động nhiều nguồn lực khác nhau để cùng chung tay giúp đỡ cho người nghèo về nhà ở, sinh kế, nông cụ phục vụ sản xuất... MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân nâng cao ý chí tự lực, tự cường, tự vượt qua chính mình trong lao động sản xuất, thay đổi tư duy, ứng dụng cái mới, cái tiến bộ vào sản xuất, chăn nuôi”.

dsc09545.jpg
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Sáng ở bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song luôn cố gắng chăn nuôi dê để tăng đàn và làm "cầu câu" sau này cho gia đình

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Tỉnh ủy với Thường trực Huyện ủy Đắk Song, bà Hà Thị Hạnh, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị các cấp, ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Đắk Song đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để từng bước làm thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của người dân. Công tác tuyên truyền không thể ngày một, ngày hai hay dăm ba câu là xong mà cần phải lâu dài “mưa dầm thấm lâu” đến khi nào bà con thấy vui, thấy vinh dự khi được thoát nghèo. “Công tác giảm nghèo cần thực chất, không hình thức và giảm nghèo phải bền vững. Để từ đó, bà con yên tâm, chính quyền cũng bớt được nỗi lo”, bà Hà Thị Hạnh đề nghị.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Huyện vùng biên Đắk Nông chỉ còn 1,89% hộ nghèo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO