Từ đầu tháng 11/2022, chính quyền huyện Krông Nô đã có văn bản đề xuất tỉnh Đắk Nông cho tạm dừng khai thác cát ở các điểm sạt lở. Tuy nhiên, trên đoạn sông này các tàu thuyền vẫn ngày qua ngày hút cát rầm rộ.
Sáng 4/3 và chiều 8/3, chúng tôi có mặt tại khu vực khai thác cát trên sông Krông Nô, đoạn chảy qua xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Tại đoạn sông chỉ hơn 2km, có 6 chiếc tàu hút cát máy nổ rầm vang. Một số tàu đang hút cát dưới sông, cát liên tục được bơm lên các khoang tàu. Một số tàu khác đã hút đầy khoang thì thực hiện công đoạn tiếp theo, bơm cát từ tàu lên bãi chứa của các doanh nghiệp.
Tại khu vực được UBND tỉnh Đắk Nông cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát như Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Phước Lộc, Doanh nghiệp tư nhân Văn Hồng, Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Quảng Phú…, nhiều điểm đang sạt lở sâu vào bờ, làm sông biến dạng, nhưng tàu vẫn hút cát rầm rộ. Một số tàu còn tiến vào gần bờ sông khu vực sạt lở để hút cát.
Một người dân ở thôn Phú Lợi, xã Quảng Phú rất bức xúc cho biết, việc khai thác cát trong mấy năm trở lại đây đã khiến tình trạng sạt lở ngày càng trở nên nghiêm trọng, làm mất rất nhiều đất sản xuất: “Ở đây 5h sáng họ đã hút cát rồi, hút đến 6-7h tối mới nghỉ. Có mình thì họ hút né né ra ngoài một chút, còn không thì họ đưa luôn ống vô sát bờ luôn, là sạt lở thôi. Đó, như anh thấy bên kia, giờ họ để ống vô đó, bảo đảm là trong vòng 2 ngày thôi là vạt đất đó sạt hết xuống. Chính quyền địa phương phải tìm cách khắc phục như thế nào, cứ tình trạng như vậy thì đất nông nghiệp xuống sông hết”.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Chung Huy, Trưởng phòng TN&MT huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô thuộc xã Quảng Phú ngày càng trở nên nghiêm trọng ở những điểm các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát. Theo thống kê đến cuối năm 2022, có 28 hộ dân ở xã Quảng Phú bị thiệt hại về đất sản xuất, cây trồng do sạt lở ở những đoạn sông cấp cho 3 doanh nghiệp khai thác cát gồm: Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Phước Lộc, Doanh nghiệp tư nhân Văn Hồng và Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Quảng Phú. Các hộ dân đã làm đơn kiến nghị gửi đến UBND xã Quảng Phú và hiện nay chính quyền đang đứng ra làm trung gian để cho doanh nghiệp thoả thuận đền bù với các hộ dân.
Ông Nguyễn Chung Huy cho rằng, việc khai thác cát hiện nay rất bất cập, tình trạng sạt lở dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại, rất phức tạp. Ông Huy cũng khẳng định, những đoạn sông được UBND tỉnh Đắk Nông cấp phép khai thác cho các doanh nghiệp khai thác cát thời điểm ban đầu không bị sạt lở. Theo quy định, doanh nghiệp được khai thác cách bờ 20m, nhưng bất cập ở chỗ không quy định rõ cách 20m bờ sông thời điểm ban đầu cấp phép hay ở mọi thời điểm, dẫn đến việc sạt lở càng nghiêm trọng thì các tàu hút cát càng tiến vào sâu hơn vị trí bờ sông cũ. Hiện nay, một số điểm đã sạt lở hàng chục mét, tàu thuyền rất có thể đang khai thác sâu vào trong vị trí bờ sông trước đây. Và đây là vấn đề pháp lý đặt ra cho các sở ngành và UBND tỉnh Đắk Nông xem xét để điều chỉnh.
“Phạm vi giấy phép khai thác khống chế điểm đầu, điểm cuối, ngoài ra, theo đề án quy định khai thác cách bờ 20m. Đề án khai thác là như thế còn bờ ở đâu là cả vấn đề, tùy theo từng thời điểm, đang bị vướng chỗ này. Huyện cũng nhiều lần có kiến nghị xem xét thế nào, quan điểm là tại thời điểm đánh giá hiện trạng cấp phép, chứ khi sạt lở rồi thì ai chứng minh bờ ở đâu là cả một vấn đề pháp lý”, ông nguyễn Chung Huy nói.
Với tình trạng sạt lở đã rất nghiêm trọng, chiếu theo quy định tại Nghị định 23 năm 2020 của Chính Phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, tháng 11/2022, UBND huyện Krông Nô đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông tạm dừng hoạt động khai thác cát tại các điểm sạt lở xã Quảng Phú. Tuy nhiên, huyện chờ tỉnh suốt từ đó đến nay, trong khi sạt lở diễn ra từng ngày.
“Đối với tình hình sạt lở dọc sông Krông Nô, huyện cũng đã có một số kiến nghị, đề xuất, yêu cầu các đơn vị khai thác cát khẩn trương xây dựng và hoàn thiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác cát để gửi cho các cơ quan thẩm quyền kiểm tra, thẩm định và chấp thuận thực hiện. Đề nghị Sở TN&MT xem xét, kiểm tra đánh giá lại tình hình diễn biến sạt lở bờ sông. Đề xuất tạm dừng khai thác theo quy định tại Nghị định 23 của Chính phủ, gọi là tạm cấm để phục hồi môi trường, sau khi phục hồi xong thì được khai thác lại. Huyện kiến nghị rồi còn thẩm quyền của tỉnh đánh giá như thế nào, đến mức độ nào thôi”, ông Nguyễn Chung Huy cho hay.
Trên sông Krông Nô địa bàn xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, UBND tỉnh Đắk Nông cấp 4 giấy phép khai thác cát cho 4 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Phước Lộc, Doanh nghiệp tư nhân Văn Hồng, Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Quảng Phú và Công ty TNHH MTV Hải Khánh Ngân. Trong đó, Công ty TNHH MTV Hải Khánh Ngân đã dừng hoạt động từ tháng 1/2022. 3 doanh nghiệp còn hoạt động được cấp phép khai thác tổng công suất khoảng 68.000m3/năm trên tổng chiều dài đoạn sông khoảng 6,4km.
Với tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng tại xã Quảng Phú, việc tạm dừng khai thác cát để thực hiện các biện pháp bảo vệ bờ sông, khôi phục môi trường theo Nghị định 23 của Chính phủ và theo đề xuất của huyện Krông Nô là rất xác đáng. UBND tỉnh Đắk Nông cần sớm có quyết định, tránh việc sạt lở tiếp diễn, hủy hoại sông Krông Nô cũng như làm mất đất sản xuất của người dân./.