Huyện Đắk Glong cần tranh thủ các nguồn lực để thoát nghèo
TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh yêu cầu huyện Đắk Glong cần tranh thủ các nguồn lực để thoát khỏi tình trạng huyện nghèo.
Chiều 6/11, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh dẫn đầu Đoàn công tác UBND tỉnh làm việc với UBND huyện Đắk Glong về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giảm nghèo bền vững.
Theo báo cáo của huyện Đắk Glong, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã mở 30 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 797 học viên, chủ yếu các nghề trồng trọt, chăn nuôi - thú y, dệt thổ cẩm, nấu ăn…
Các lớp đào tạo nghề đã trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về khoa học kỹ thuật để áp dụng trong quá trình lao động sản xuất hàng ngày, giúp nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là Trung tâm GDNN-GDTX của huyện Đắk Glong chưa có trụ sở làm việc. Huyện chưa thể sử dụng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) để đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị đào tạo. Công tác đào tạo nghề chưa thu hút được lực lượng lao động trẻ vào học và chưa đào tạo được những ngành nghề xã hội đang có nhu cầu tuyển dụng lao động…
Trước những vướng mắc, tồn tại ảnh hưởng tới việc thực hiện các chương trình MTQG, huyện Đắk Glong đề nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, giải thể Trung tâm GDNN-GDTX huyện.
Đối với việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2022-2024, huyện Đắk Glong được bố trí 365 tỷ đồng thực hiện. Đến nay, huyện đã giải ngân đạt 55,71%.
Tại buổi làm việc, huyện Đắk Glong đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện một số dự án, tiểu dự án, trong đó vướng mắc lớn nhất là quy hoạch bô xít, quy hoạch 3 loại rừng và giải phóng mặt bằng.
Huyện Đắk Glong kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục hỗ trợ nguồn lực để thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, đặc biệt khó khăn; hướng dẫn, hỗ trợ huyện thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG; bổ sung thêm biên chế công chức cho các cơ quan chuyên môn của huyện để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh phân cấp, ủy quyền.
Đối với Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, huyện Đắk Glong đề nghị UBND tỉnh, Sở Xây dựng quan tâm phê duyệt danh sách điều chỉnh bổ sung tại Quyết định số 873/QĐ-UBND tỉnh, để UBND huyện có cơ sở triển khai thực hiện đồng thời có cơ chế chính sách đặc thù đối với hộ nghèo, cận nghèo có khó khăn về nhà ở nhưng chưa đủ điều kiện về đất đai; tăng mức hỗ trợ đối với các hộ khó khăn về nhà ở có nhu cầu xây dựng.
Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Châu Ngọc Lương đánh giá, huyện Đắk Glong đã triển khai tốt công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ dân, qua đó góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo chung của huyện.
Qua kiểm tra thực tế, rất nhiều địa phương có nhu cầu làm nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH đề nghị UBND huyện Đắk Glong cần rà soát, bóc tách các trường hợp đủ điều kiện để bố trí nguồn vốn, chương trình phù hợp.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh, từ nay tới cuối năm, huyện Đắk Glong tập trung nhân lực, vật lực để thực hiện các chương trình MTQG; trong đó có giảm nghèo và đào tạo nghề cho lao động địa phương, tiến tới mục tiêu thoát khỏi tình trạng huyện nghèo của cả nước vào năm 2025. Trong quá trình thực hiện, các phòng, ban và UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân vào đào tạo nghề và ý thực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.