Kinh tế

Huyện biên giới Đắk Nông xây dựng nông sản đặc trưng

Hưng Nguyên 10/02/2025 06:30

Nông sản của huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) được cải tiến về chất lượng, mẫu mã, mở rộng quy mô sản xuất và có chỗ đứng trên thị trường.

Huyện Tuy Đức có gần 60.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như mắc ca, cà phê, sầu riêng…

dsc05708(1).jpg
Sản phẩm OCOP mắc ca sấy của huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đang được nhiều khách hàng biết đến và tin dùng

Nắm bắt được lợi thế này, các HTX và cơ sở chế biến trên địa bàn huyện đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, đầu tư vào máy móc hiện đại và thiết kế bao bì tạo sản phẩm đặc trưng.

Sau khi hình thành vùng nguyên liệu mắc ca, HTX Nông nghiệp dịch vụ Long Việt, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức đã đầu tư máy móc phục vụ chế biến. HTX đã tạo ra các sản phẩm mắc ca sấy để bán trên thị trường với bao bì, nhãn mác bắt mắt.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc HTX cho biết, HTX đã chủ động chuẩn bị từ 15 - 20 tấn mắc ca nguyên liệu để chế biến mắc ca sấy khô để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán vừa qua.

HTX đã thiết kế cành đào, mai và lời chúc mừng năm mới trên bao bì sản phẩm mắc ca. Sản phẩm mắc ca sấy đã được đưa vào giỏ hàng phục vụ thị trường tết nhiều năm nay. Ngoài ra, mỗi tháng HTX xuất bán 1 - 2 tấn cho các cơ sở bán lẻ.

Tham gia chương trình OCOP, HXT đã được kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm tại các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, giúp mở rộng thị trường.

dsc05955(1).jpg
Các cơ sở tập trung chế biến và tạo nên sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng

Tương tự, cuối năm 2023, mắc ca sấy và cà phê bột của cơ sở Khang Luyến, ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức được công nhận OCOP 3 sao.

Sau khi được đánh giá phân hạng OCOP, cơ sở đã được tạo điều kiện tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm, nhờ đó tiêu thụ tốt hơn.

Ông Phạm Văn Khang, chủ cơ sở mắc ca Khang Luyến cho biết, cơ sở chủ yếu chế biến mắc ca sấy, đóng gói và bán ra thị trường. Cơ sở có sản phẩm mắc ca sấy đạt 3 sao OCOP.

Ngoài phục vụ thị trường tết với mức tiêu thụ lớn nhất năm, khoảng hơn 10 tấn, cơ sở đã kết nối tiêu thụ mỗi tháng 1 - 2 tấn mắc ca sấy, đóng gói. Cơ sở ngày càng có nhiều đơn hàng thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại từ OCOP.

dsc05749(1).jpg
Mắc ca sấy nông sản đặc trưng của huyện Tuy Đức (Đắk Nông)

Thời gian qua, huyện Tuy Đức thực hiện lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ các cơ sở có sản phẩm đăng ký tham gia OCOP có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Các cơ sở được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị, hoàn thiện sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ...

Trên địa bàn huyện Tuy Đức có 18 sản phẩm OCOP, trong đó có 16 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm đều có giá trị cao như mắc ca, khoai lang, cà phê, hồ tiêu...

Bà Phan Thị Khương, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức cho biết, các HTX và cơ sở chế biến đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, đầu tư máy móc hiện đại, đổi mới mẫu mã sản phẩm. Điều đó thể hiện sự chủ động trong việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Các sản phẩm OCOP đặc trưng, chủ lực đã được đầu tư bài bản từ quy trình sản xuất đến chế biến và kết nối tiêu thụ, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng Tuy Đức.

Chương trình OCOP ở huyện biên giới Tuy Đức đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Huyện đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm mới. Đồng thời, huyện tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp để sản phẩm OCOP có thể xuất khẩu.

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Huyện biên giới Đắk Nông xây dựng nông sản đặc trưng
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO