Huyện biên giới Đắk Nông gần dân, sát việc, tăng đồng thuận
Với việc đổi mới phương thức hoạt động theo hướng “gần dân, sát việc”, công tác dân vận trên địa bàn huyện Tuy Đức đã tạo sự đồng thuận cao, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Hiệu quả từ tuyên truyền, phát động quần chúng
Bằng việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đợt tuyên truyền, vận động quần chúng do huyện Tuy Đức tổ chức mới đây tại xã Quảng Trực đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Theo đó, huyện đã tổ chức đoàn tham gia phát động quần chúng tập trung tuyên truyền, vận động tại 6 bon gồm Đắk Huýt, Bu Đắk, Bu Nun, Bu Lum, Bu Sóp, Bu Gia và một số hộ đang canh tác trên đất do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý. Bên cạnh tuyên truyền chung, đoàn còn dành thời gian vận động 11 hộ có quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh và một số hộ dân tộc thiểu số đang canh tác tại đất do Nam Tây Nguyên quản lý.
Ông Điểu Srao, Trưởng bon Bu Gia cho biết: “Qua tuyên truyền, vận động, bà con trong bon đã hiểu hơn quy định về quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh biên giới. Từ đó, các hộ gia đình có trách nhiệm tuyên truyền cho con cháu, người thân không lấn chiếm, phá rừng, tham gia trồng cây gây rừng, không qua lại bên kia biên giới…”.

Theo bà Võ Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Tuy Đức, điểm khác so với những đợt tuyên truyền, vận động trước là địa phương đã đổi mới về phương pháp tiến hành và nội dung được chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm. Huyện phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là giữ gìn an ninh biên giới quốc gia, quản lý và bảo vệ rừng.
Theo bà Xuân, trước khi tiến hành, Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy đã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể, phòng ban của huyện cùng Đảng ủy xã Quảng Trực, đồn biên phòng và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên họp thống nhất nội dung, tạo sự đồng bộ trong triển khai thực hiện. Đảng ủy xã Quảng Trực mời đại diện UBND, các đoàn thể, ngành liên quan cùng cấp ủy chi bộ, ban tự quản các bon, lực lượng cốt cán, chức sắc, chức việc để quán triệt chủ trương và nội dung của đợt tuyên truyền, vận động quần chúng.

Để việc tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao nhất, đoàn chia thành các nhóm nhỏ nhằm thông tin về các văn bản của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ, trồng rừng, giải thích cho các hộ dân hiểu rõ hơn việc lấn chiếm đất là hành vi vi phạm pháp luật. Việc tiếp cận các hộ gia đình để nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng chính đáng được quan tâm. Qua đó, đoàn tiếp nhận được 38 ý kiến đề xuất, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đất đai, an ninh trật tự, an sinh xã hội…
“Điều đáng mừng, qua tuyên truyền, một số hộ dân đã đồng ý làm đơn tự nguyện tham gia Hợp đồng 168 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên”, bà Xuân cho hay.
Chung tay giữ bình yên vùng biên
Bon Bu Sóp, xã Quảng Trực hiện có gần 250 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sinh sống. Để phát huy vai trò của người dân trong việc bảo đảm an ninh giới, an ninh trật tự tại địa phương, đội ngũ cán bộ cơ sở đã chú trọng tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Bí thư Chi bộ bon Bu Sóp Điểu Linh thông tin: “Trong các cuộc họp chi bộ, tôi đều yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là một tuyên truyền viên vận động người thân, gia đình, dòng họ và bà con tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, chấp hành nghiêm các quy định của địa phương, nhất là tham gia giữ gìn an ninh nơi biên giới. Đến nay, nhận thức của bà con được nâng lên rất nhiều. Hầu hết bà con trong bon đều yên tâm làm ăn, tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh khu vực biên giới”.

Với địa bàn khu vực biên giới, việc chấp hành pháp luật trên tuyến biên giới của người dân có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm chủ quyền lãnh thổ đất nước. Đây cũng là nội dung được xã Quảng Trực thường xuyên tuyên truyền lồng ghép để nâng cao nhận thức cho người dân.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội xác định rõ mục tiêu tuyên truyền, vận động, thuyết phục là phương thức chính trong công tác dân vận, thay thế dần lối làm việc quan liêu, mệnh lệnh hành chính. Điều này giúp tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền và Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong mọi hoạt động xã hội.
“Chúng tôi thường xuyên được cán bộ trực tiếp đến nhà tuyên truyền, vận động cần đoàn kết, giữ gìn an ninh biên giới. Qua đó, chúng tôi hiểu và bảo ban con cháu chấp hành an ninh biên giới, không nghe, không tin kẻ xấu xúi giục, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn”, bà Thị Khil, người dân bon Bu Gia cho hay.
Với phương châm hướng về cơ sở, “gần dân, sát việc”, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện liên tục, đa dạng với nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, panô, áp phích, tờ rơi, qua hệ thống loa truyền thanh… Đặc biệt, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo cùng tham gia vận động Nhân dân. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị ở địa phương luôn ổn định, người dân chăm lo làm ăn phát triển kinh tế
Bà Thị Nớ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quảng Trực Thị Nớ khẳng định: “Với phương châm hướng về cơ sở, “gần dân, sát việc”, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện liên tục, đa dạng với nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, pa nô, áp phích, tờ rơi, qua hệ thống loa truyền thanh… Đặc biệt, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo cùng tham gia vận động Nhân dân. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị ở địa phương luôn ổn định, người dân chăm lo làm ăn phát triển kinh tế”.

Những năm qua, công tác dân vận của Đảng trên địa bàn Tuy Đức đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ huyện đến cơ sở luôn hướng mạnh về cơ sở, gần dân, sát dân. Việc tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo, phù hợp với đặc thù từng địa phương. Các tổ chức đoàn thể, MTTQ không ngừng đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động để người dân tích cực tham gia bảo vệ biên giới, chấp hành đúng pháp luật.
"Công tác dân vận không phải là nhiệm vụ của một cấp, một ngành mà là của cả hệ thống chính trị, trong đó, người làm công tác tuyên truyền, vận động thì phải “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, bà Xuân chia sẻ kinh nghiệm.
Chính sự đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức, công tác dân vận của hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là giải quyết các vấn đề nóng phát sinh từ cơ sở, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số vào cấp ủy, chính quyền.