Huyện Ðắk Glong trăn trở bài toán thiếu giáo viên

Nguyễn Hiền| 12/09/2022 09:07

Học sinh tăng, trong khi giáo viên ngày càng thiếu là nỗi lo của ngành Giáo dục tỉnh nói chung và riêng huyện Đắk Glong thì đây là bài toán nan giải qua từng năm học.

Chỉ ưu tiên trẻ 5 tuổi được đến trường

Năm học 2022-2023, Trường mẫu giáo Hoa Lan, xã Đắk R’măng có 290 học sinh được bố trí học ở 9 lớp. Thay vì phân bố đều học sinh ở các lứa tuổi thì trường bố trí đến 5/9 lớp cho trẻ 5 tuổi. Trung bình mỗi lớp có từ 40-45 trẻ vượt quy định cho phép. Điều bất ngờ là phân số nửa trẻ 5 tuổi của trường là lần đầu được đi học. Cô H’ Doen Srê Ú, phụ trách lớp lá, Trường mẫu giáo Hoa Lan chia sẻ: “Lớp có 45 cháu thì có đến nửa lớp là lần đầu được đi học do những năm trước các cháu không được đến trường.

Giáo viên Trường mẫu giáo Hoa Hồng dạy trẻ 5 tuổi cách chào hỏi

Lớp lá chương trình học nhiều hơn, trong khi trẻ lại chưa biết gì nên giáo viên cũng rất vất vả. Đối với các em gần như phải dạy từ đầu như các em lớp mầm chồi, lại vừa phải làm sao để theo kịp chương trình của lớp lá. Những tuần đầu tiên, giáo viên phải làm quen, hướng dẫn vệ sinh cá nhân, chào hỏi… Khó khăn nhất vẫn là giao tiếp vì trẻ ở nhà chủ yếu nói tiếng mẹ đẻ (tiếng dân tộc thiểu số). Khi đến lớp giáo viên phải bắt đầu hướng dẫn các em tăng cường tiếng Việt. Không được học qua lớp 3 tuổi, 4 tuổi nên trẻ ở đây rất thiệt thòi”.

Trường ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi, còn dư giáo viên mới tuyển thêm trẻ 4 tuổi 

Đứng đợi đón con, chị Vàng Thị Bào, dân tộc Mông, xã Đắk R’măng, thấy con mình dù đã 5 tuổi nhưng lần đầu được đi học, chị xúc động: “Khi nộp hồ sơ được nhà trường nhận mà cả nhà vui lắm. 5 tuổi cháu mới được đến trường nên vừa hào hứng vừa lạ lẫm. Con được cô giáo chỉ dạy nhiều thứ mình thấy vui lắm. Nhưng vợ chồng tôi cũng buồn vì nộp hai bộ hồ sơ cho đứa con 5 tuổi và đứa 3 tuổi nhưng chỉ đứa 5 tuổi được đi học. Năm sau gia đình lại thêm một cháu lên 3 tuổi nữa nên cũng đang lo”

Nhiều trẻ 3-4 tuổi chưa được đến trường

Trong câu chuyện của trường, cô Thái Thị Hải, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hoa Lan cho biết, nguyên nhân là do thiếu giáo viên. “Giáo viên ở vùng sâu thiệt thòi và cũng vất vả rất nhiều nhưng ai cũng cố gắng để khắc phục. Để đáp ứng mục tiêu phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi, hiện nay trường đang ưu tiên nhận hồ sơ trẻ 5 tuổi trên địa bàn. Buồn nhất vẫn là cảnh phụ huynh mang hồ sơ trẻ 3-4 tuổi đến xin nộp học mà phải trả lại. Mặc dù, chuyện này diễn ra nhiều năm nay nhưng gần như lần nào cũng cảm thấy cay khóe mắt”, cô Hải chia sẻ.

Các lớp lá có hầu hết trẻ lần đầu tiên được đi học do 3-4 tuổi không được đến trường

Cô Hải cũng cho biết, hiện trên địa bàn có khoảng gần 200 trẻ 3-4 tuổi vẫn chưa được đến trường. Nếu tuyển hết các em ở hai độ tuổi này trường vẫn khắc phục được phòng học, tuy nhiên, vì thiếu giáo viên nên không thể nhận thêm.

“Hiện toàn trường có 15 giáo viên; trong đó ưu tiên các lớp 5 tuổi 2 giáo viên/lớp. Các lớp ở phân hiệu và 4 tuổi hiện trường đang bố trí 1 giáo viên/lớp. Hiện trường thiếu 5 giáo viên mới đáp ứng theo quy định” cô Hải chia sẻ.

Không riêng Trường mẫu giáo Hoa Lan, Trường tiểu học La Văn Cầu trên địa bàn xã có quy mô trên 1.000  học sinh cũng thiếu 11 giáo viên. Hiện nay, trường đang tích cực tìm nguồn giáo viên hợp đồng. Không có giáo viên bổ sung trường buộc phải triển khai dạy kê, dạy gác.

Năm học 2022-2023, Trường tiểu học La Văn Cầu thiếu 11 giáo viên

Vẫn “giật gấu vá vai”

Thiếu giáo viên cũng là nỗi trăn trở chung của các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn huyện Đắk Glong. Theo ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong thì qua mỗi năm học tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn huyện lại càng căng thẳng hơn. Hiện tại, địa phương vẫn chưa được bổ sung biên chế giáo viên theo nhu cầu nên vẫn phải “giật gấu vá vai” để xử lý trước mắt.

Năm học 2022-2023, toàn huyện có 38 cơ sở giáo dục với trên 19.900 học sinh các cấp; trong đó bậc tiểu học và THCS tăng trên 750 học sinh. Riêng bậc mầm non có đến 1.470 trẻ từ 3-4 tuổi chưa được đến trường. Nguyên nhân là do liên tục những năm gần đây số lượng học sinh tăng nhanh, kéo theo khó khăn về điều kiện trường, lớp…, nhất là tình trạng thiếu giáo viên.

Toàn huyện được giao 975 biên chế sự nghiệp; trong đó, hiện có 937 biên chế; 38 biên chế chưa sử dụng. Theo quy định và nhu cầu thực tế, hiện toàn huyện thiếu đến 204 giáo viên các cấp, gồm: bậc mầm non thiếu 96 giáo viên, bậc tiểu học và THCS thiếu 108 giáo viên.

Dự kiến trong năm học 2022-2023, toàn huyện Đắk Glong tuyển dụng thêm 68 biên chế

Trong năm 2021, UBND huyện đã triển khai tuyển dụng 42 biên chế, nhưng chỉ tuyển dụng được 33 biên chế giáo viên đáp ứng nhu cầu, 9 biên chế còn lại không tuyển dụng được chủ yếu do hồ sơ chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019. Năm 2022, dự kiến huyện sẽ được UBND tỉnh giao thêm 30 biên chế, nâng số tuyển dụng trong năm học 2022-2023 là 68 biên chế. UBND huyện tạm thời giao số lượng biên chế này về các trường để có thể chủ động hợp đồng giáo viên theo quy định.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên đầu năm học 2022-2023, đối với bậc mầm non huyện đang ưu tiên chỉ nhận trẻ 5 tuổi; bậc phổ thông, các trường bố trí giáo viên kiêm phụ trách bộ môn từ 2-3 trường trong cùng khu vực. Về lâu dài, UBND huyện sẽ tiến hành tuyển dụng số biên chế này theo quy định để đáp ứng nhu cầu dạy và học ở các trường. “Tuy nhiên, việc tìm giáo viên hợp đồng và tuyển được giáo viên đủ điều kiện cũng rất khó khăn. Số lượng giáo viên các cấp thực tế còn thiếu khá nhiều nên việc triển khai dạy kê, dạy gác là khó tránh khỏi. Trong khi đó, năm học 2021-2022, toàn huyện vẫn còn  8 tỷ đồng kinh phí dạy kê, dạy gác chưa chi trả cho giáo viên”, ông Phương thông tin thêm.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/giao-duc-dao-tao/huyen-ðak-glong-tran-tro-bai-toan-thieu-giao-vien-95006.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/giao-duc-dao-tao/huyen-ðak-glong-tran-tro-bai-toan-thieu-giao-vien-95006.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Huyện Ðắk Glong trăn trở bài toán thiếu giáo viên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO