Đất và người Đắk Nông

Hương ước - chất kết dính đoàn kết bon làng Đắk Nông

Bảo Ngọc 18/11/2023 18:34

Trong cộng đồng dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có những "điều luật" để điều hòa, xây dựng quy tắc ứng xử, phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng, đó là hương ước.

ADQuảng cáo

Hương ước - "Luật" cộng đồng

Theo Sở Văn hóa-Thể thao, Du lịch tỉnh Đắk Nông, hiện nay, 713 thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố (gọi tắt thôn, bon) trên địa bàn tỉnh đều có hương ước. Việc thực hiện soạn thảo, xây dựng và ban hành hương ước tại các thôn, bon phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các hương ước phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới, quy tắc ứng xử văn minh, phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư.

Xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa) có 12 thôn, bon, trong đó có 5 bon đồng bào DTTS. Thời gian qua, chính quyền xã luôn chủ động hỗ trợ các thôn, bon xây dựng và triển khai thực hiện hương ước. Trong đó, xã chú trọng phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động người dân ứng xử đúng chuẩn mực cộng đồng đã được quy định trong hương ước. Bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia khẳng định: Hầu hết hương ước của các thôn, bon trong xã đều quy định người dân, đồng bào phải tu chí làm ăn, không được vi phạm pháp luật. Theo bà Ngọc, năm 2023, sự chuyển biến rõ nhất trong việc chấp hành hương ước là đại đa số người dân chấp hành nghiêm quy định hát karaoke đúng thời gian. Người dân hát karaoke văn minh hơn, không hát vào những thời điểm mọi người đang nghỉ ngơi như buổi trưa, không quá 21 giờ tối hoặc vào những ngày làm việc bình thường.

Bên cạnh đó, các hương ước của thôn, bon còn vận động người dân quản lý nghiêm con, em của mình trong độ tuổi thanh thiếu niên. Qua đó, hạn chế tối đa việc các thanh thiếu niên tụ tập, chơi bời lêu lổng hoặc chạy xe nẹt pô. “Việc thực hiện các quy định của hương ước đều được UBND xã chỉ đạo, giám sát các bản thực hiện nghiêm túc. Bà con DTTS nơi đây luôn đặt danh dự lên hàng đầu, vì thế rất ít người vi phạm các điều đã được quy định trong hương ước. Các cá nhân nào vi phạm các điều lệ đều bị phê bình, cảnh cáo, nêu tên trên loa phát thanh của thôn, bon hoặc phê bình tại các cuộc họp thôn, bon. Nếu vi phạm nghiêm trọng, cá nhân đó sẽ bị chính quyền địa phương đề nghị xử lý theo pháp luật. Ngược lại, nếu thực hiện tốt hương ước, bà con sẽ được bình bầu và ghi vào "sổ vàng" của thôn, bon, đề nghị lên xã để tuyên dương, khen thưởng”, bà Ngọc cho biết thêm.

Xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp là địa phương đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong xã có 1 bon nhiều hộ đồng bào dân tộc M’nông sinh sống là Bu Nđor. Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, hương ước trong bon quy định, người dân phải tích cực ủng hộ, hỗ trợ các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và địa phương trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự. Do vậy, tất cả các hộ dân trong bon luôn sẵn lòng thực hiện các chỉ đạo, chủ trương của các cấp, ngành và địa phương. Trong nhiều tiêu chí, người dân trong bon luôn gắn với quy định trong hương ước để thực hiện.

_dsc3652(1).jpg
Người dân bon Bu Nđor, xã Đắk Wer hiến đất, làm đường bê tông nông thôn

Ông Trần Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Wer cho hay, bà con trong bon luôn nỗ lực thực hiện các quy định của hương ước, gắn với hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nhất là việc thực hiện tiêu chí môi trường, hương ước cũng quy định người dân phải ăn ở sạch sẽ ngay trong gia đình và ngoài khu vực mình sinh sống. Còn về tiêu chí văn hóa, đồng bào cũng tự giác thực hiện việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng như cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát…

Già làng Điểu Mbyưch, bon Bu Nđor tâm sự, bà con luôn đoàn kết, thống nhất thực hiện các chủ trương của cấp trên. Có nhiều điểm trong hương ước quy định, bà con đều thực hiện đúng như không được trộm cắp, không được gây gổ mất đoàn kết trong bon làng, mọi người phải thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc nhau…

Theo Điều 2, Chương I, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP, ngày 16/8/2023 của Chính phủ, hương ước, quy ước là văn bản quy định về các quy phạm xã hội bao gồm các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư bàn và quyết định; không trái pháp luật và đạo đức xã hội; nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được UBND cấp xã công nhận.

Hương ước-Gắn kết tình làng nghĩa xóm

Người dân Đắk Nông nói chung, đồng bào DTTS nói riêng luôn có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Khi thực hiện các quy định của hương ước, họ lại càng phát huy thêm truyền thống đoàn kết này.

ADQuảng cáo

Ông Cao Thế Bảy, Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa - Gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông) khẳng định, các hương ước tại thôn, bon trên địa bàn tỉnh luôn có đặc điểm chung đó là truyền thống đoàn kết và cố kết làng xã. Hương ước không chỉ quy định nghĩa vụ của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng mà còn định rõ trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong đời sống thường nhật. Hương ước khuyên răn mọi người ăn ở hòa thuận theo đúng đạo hiếu gia đình, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, túng thiếu hay gặp công to việc lớn trong nhà.

Bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia cho biết thêm, tại các thôn, bon đồng bào DTTS ở địa phương, khi thực hiện chủ trương giảm nghèo, người dân đều nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.

Bà Ngọc dẫn chứng, như việc xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương cho các hộ nghèo, các cấp, ngành, tổ chức chỉ hỗ trợ được khoảng 70 triệu đồng. Từ đó, Ban tự quản thôn, UBND xã đã vận động gia đình được hỗ trợ cùng người thân, hàng xóm đóng góp thêm kinh phí ít nhất cũng được khoảng 100 triệu đồng nữa. Còn những hộ dân khác thì hỗ trợ hộ nghèo bằng cách bỏ công ra giúp chuẩn bị mặt bằng, vận chuyển đồ đạc, dựng nhà tạm để hộ nghèo ở tạm trong quá trình xây dựng nhà mới. Ai có gạo cho gạo, ai có rau thì cho rau, nước uống và các dụng cụ sinh hoạt khác.

Cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, chính sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau đã giúp xã hoàn thành rất tốt chỉ tiêu giảm nghèo. Năm 2023, xã đã giảm được 13 hộ nghèo/tổng số 66 hộ, đạt tỷ lệ 19,7%; vượt chỉ tiêu giảm nghèo chung của thành phố và Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy Đắk Nông về giảm nghèo bền vững.

Tại bon Phai Kol Pru Đăng, xã Đắk Nia, hương ước phát huy tinh thần đoàn kết, gắn kết làng xã rất cao trong việc hưởng ứng xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông. Bon có 145 hộ dân, trong đó có 29 hộ đồng bào M’nông, 28 hộ dân đồng bào phía Bắc di cư vào, chủ yếu là dân tộc Tày.

Bà H’Thanh Kễn, Trưởng bon cho hay, hương ước của bon được Ban tự quản và đại bộ phận người dân thông qua vào năm 2007, sau khi bon được thành lập 2 năm. Hương ước có 8 chương, 28 điều, quy định rất rõ về nếp sống văn hóa, vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, các khoản đóng góp của người dân…

Hương ước còn dành cả Điều 17, Chương IV quy định về đoàn kết trong bon. Nội dung chính là yêu cầu mọi người dân trong bon phải đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; không được chia bè kéo phái, không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, giới tính…

lay-1(1).jpg
Bà H’Thanh Kễn, Trưởng bon Phai Kol Pru Đăng thường xuyên đọc kỹ, nghiên cứu các nội dung hương ước của bon

Bà H’Thanh kể lại, cách đây 2 năm, khi có chủ trương làm trục đường chính trong bon, Ban tự quản bon phối hợp với già làng, người có uy tín Y Bông đã tổ chức vận động, tuyên truyền người dân tích cực bàn giao mặt bằng san ủi mở rộng nền đường. Hầu hết các hộ dân đồng bào DTTS đã thống nhất, giao mặt bằng cho đơn vị thi công tiến hành san ủi, chuẩn bị mặt bằng làm đường, mặc dù chưa có sự hỗ trợ kinh phí từ các cấp.

Từ đó, nhiều hộ dân người Kinh khác cũng đã đoàn kết, hưởng ứng và bàn giao diện tích đất để mở rộng và làm đường mới. Ngoài ra, thực hiện Điều 22, Chương V của hương ước, các thành viên trong bon luôn phát huy trách nhiệm của mình trong xây dựng và phát triển bon. Nhiều thành viên bon đã động viên con em của mình, với sự hỗ trợ của Ban tự quản, sự hướng dẫn của già làng, người có uy tín Y Bông, bon đã thành lập được đội cồng chiêng.

gia-lang-copy.jpg
Đồ họa: Q.S

Hay như việc nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở trong bon. Điển hình như già làng Y Bông đã hiến hơn 100 m2 để xây dựng Nhà văn hóa bon; bà Hoàng Thị Hạnh, dân tộc Tày đã hiến gần 200 m2 để xây dựng nhà trẻ; bà Bùi Thị Quỳnh đã hiến hàng trăm mét đất để mở đường đi xuống bờ đập…

Việc thực hiện nghĩa vụ quốc phòng của thanh niên cũng được đồng bào tích cực hưởng ứng. Khi có lệnh khám tuyển nghĩa vụ quân sự, hầu hết các hộ dân đều nhiệt tình ủng hộ. Các hộ có con em trong độ tuổi đều động viên các thanh niên đi khám tuyển. Do vậy, tỷ lệ trúng tuyển nghĩa vụ quân sự của con em trong bon luôn cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hương ước - chất kết dính đoàn kết bon làng Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO