Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần 4 được tổ chức vào ngày 5/4 tại Vientiane, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với chủ đề: "Đổi mới và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong."
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự hội nghị.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành trả lời phỏng vấn của báo chí về những nội dung liên quan đến hợp tác lưu vực sông Mekong.
- Xin Thứ trưởng cho biết tầm quan trọng và ý nghĩa của Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 trong hợp tác lưu vực sông Mekong?
Thứ trưởng Lê Công Thành: Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ các quốc gia thành viên Ủy hội, đại diện của các đối tác đối thoại của Ủy hội là Trung Quốc và Myanmar, các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực Mekong, được tổ chức 4 năm/lần, bắt đầu từ năm 2010 vào ngày 5/4, đúng vào ngày ký kết Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mekong năm 1995.
Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự hợp tác Mekong được cam kết, ủng hộ mạnh mẽ từ cấp cao nhất của Chính phủ các quốc gia thành viên Ủy hội, các bên liên quan cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong.
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 được tổ chức vào ngày 5/4/2023 tại Vientiane, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Tại Hội nghị, các Thủ tướng sẽ thảo luận về các khó khăn, thách thức cũng như các cơ hội đối với sự phát triển của lưu vực Mekong, dựa trên các kết quả nghiên cứu và xu hướng cập nhật trong quản lý tài nguyên nước, tài nguyên thiên nhiên của lưu vực sông trong khu vực và trên thế giới để cùng định hướng ưu tiên cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong, đưa ra các chỉ đạo chiến lược cho Ủy hội sông Mekong quốc tế đối với các hoạt động kỹ thuật và hợp tác, đối tác.
Đây là những nội dung hết sức quan trọng, nhằm giúp cho Ủy hội đạt được các mục tiêu trong hoạt động của mình, góp phần đạt được mục tiêu, tầm nhìn cho lưu vực, đồng thời giúp tăng cường, mở rộng sự hợp tác của Ủy hội với các đối tác.
Lưu vực sông Mekong gồm của 6 quốc gia, trong đó Trung Quốc và Myanmar là hai quốc gia nằm ở thượng nguồn.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Myanmar không phải là thành viên của Ủy hội mà là đối tác đối thoại.
Một lưu vực sông là một thể thống nhất, cần được tất cả các quốc gia có chung lưu vực cùng tham gia một cách toàn diện vào việc phát triển, quản lý, bảo vệ lưu vực sông nhằm đạt được sự hợp lý, công bằng, bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên toàn lưu vực.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện Trung Quốc và Myanmar thể hiện sự tiếp tục cam kết hợp tác của hai quốc gia này đối với sự phát triển tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của toàn lưu vực sông Mekong.
Điều này cũng thể hiện mối quan tâm chung, tầm nhìn chung của tất cả các quốc gia ven sông, từ thượng nguồn tới hạ du, về một lưu vực sông Mekong “thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, bền vững về môi trường, khả năng chống chịu khí hậu.”
Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện của các đối tác phát triển chiến lược của Ủy hội, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ lâu dài đối với Ủy hội nói riêng và lưu vực Mekong nói chung, đóng góp quan trọng cho các thành tựu đạt được của Ủy hội, giúp Ủy hội trở thành một hình mẫu về một tổ chức lưu vực sông uy tín trên thế giới, đồng thời góp phần không nhỏ cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong nói chung.
- Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa Chủ đề của Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4?
Thứ trưởng Lê Công Thành: Chủ đề của Hội nghị cấp cao lần thứ 4 là “Đổi mới và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong.”
Lưu vực sông Mekong hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức to lớn trong bối cảnh các hoạt động phát triển có xu hướng ngày một gia tăng, gây áp lực lên nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên thiên nhiên liên quan, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khiến cho vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước, phát triển bền vững gặp nhiều khó khăn.
Do đó, đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Ủy hội sông Mekong quốc tế đã có một bề dày hoạt động gần 30 năm, đạt được nhiều thành tựu, cùng với sự hỗ trợ, ủng hộ của cộng đồng các đối tác phát triển, các nhà tài trợ quốc tế, để có thể đạt được tầm nhìn về một lưu vực sông Mekong phát triển thịnh vượng, công bằng về xã hội, bền vững về môi trường.
Tuy nhiên, trong một thế giới biến động, có rất nhiều thay đổi hàng ngày, hàng giờ, Ủy hội không thể mãi đi theo những cách thức trước đây mà cần phải có những thay đổi để có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới, cần có những đổi mới, cải tiến trong nhiều lĩnh vực để đạt được hiệu quả cao hơn nữa, cần tận dụng những ưu thế của các cuộc cách mạng về công nghệ, về chuyển đổi số, về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... để phục vụ cho các hoạt động của Ủy hội; đổi mới tư duy, sáng tạo hơn nữa trong hợp tác giữa các quốc gia ven sông, hợp tác với các đối tác phát triển, tiếp tục hợp tác với các đối tác tiềm năng, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quá trình ra quyết định; đổi mới trong các cơ chế huy động nguồn lực.
Chủ đề năm nay của Ngày nước Thế giới 22/3 của Liên hợp quốc là “Thúc đẩy sự thay đổi” cho thấy tầm quan trọng của sự thay đổi trong ứng xử đối với tài nguyên nước đã được nhận thức rõ rệt, đó là cần phải thay đổi về tư duy, cách tiếp cận, phương thức quản trị, thay đổi về công nghệ kỹ thuật, thay đổi về phương thức hợp tác trong khai thác, sử dụng, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước.
Ủy hội sông Mekong quốc tế đã có nhiều nỗ lực đóng góp cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Tuy vậy, cần thiết phải đổi mới trong các hoạt động của mình để có thể đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, góp phần đạt được mục tiêu, tầm nhìn của tổ chức và của lưu vực.
- Xin Thứ trưởng cho biết các hoạt động chính của Hội nghị?
Thứ trưởng Lê Công Thành: Hội nghị khoa học quốc tế diễn ra trong ngày 2-3/4/2023. Hội nghị có sự tham gia của khoảng hơn 600 nhà khoa học, nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà hoạt động trong nước và quốc tế.
Hội nghị là dịp để các kết quả nghiên cứu trong khu vực và trên thế giới về khoa học, công nghệ, chính sách, thể chế, quản lý về tài nguyên nước, các tài nguyên liên quan được chia sẻ, trao đổi, thảo luận, từ đó đúc rút, đưa ra các khuyến nghị cho Ủy hội sông Mekong quốc tế đối với các vấn đề cần đổi mới.
Các thông điệp của Hội nghị khoa học quốc tế cũng sẽ được báo cáo lên Hội nghị cấp cao để các Thủ tướng cũng như các đại diện của các đối tác xem xét, làm cơ sở để đưa ra các định hướng ưu tiên chiến lược cho Ủy hội trong những năm sắp tới.
Hội nghị Bộ trưởng diễn ra vào ngày 4/4/2023 để thảo luận về mối quan tâm của các quốc gia ven sông và cộng đồng quốc tế, thống nhất các thông điệp của Hội nghị quốc tế và Hội nghị Bộ trưởng để đệ trình lên các Thủ tướng tại Hội nghị cấp cao.
Hội nghị Bộ trưởng cũng rà soát lại dự thảo Tuyên bố chung để báo cáo các Thủ tướng thông qua tại Hội nghị cấp cao.
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 diễn ra vào ngày 5/4/2023.
Các Thủ tướng, các đại diện của các đối tác đối thoại, đối tác phát triển sẽ thảo luận về các khó khăn thách thức cũng như các cơ hội trong phát triển lưu vực sông Mekong, đánh giá các kết quả đã đạt được của Ủy hội thời gian vừa qua, những mục tiêu cần đạt được trong thời gian sắp tới, từ đó chỉ đạo các lĩnh vực cần ưu tiên, các giải pháp cần phải thực hiện.
Các Thủ tướng sẽ thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị - Tuyên bố Vientiane.
Ngoài ra, còn có các cuộc họp song phương giữa các Thủ tướng, giữa các Thủ tướng với các đối tác, các sự kiện bên lề có liên quan khác.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.