Kinh tế

Hương sắc Phú Thọ trên đất Đắk Nông

Thanh Nga - Văn Tâm 18/04/2024 05:04

Nhiều người con của vùng đất Phú Thọ đã chọn Đắk Nông lập nghiệp, làm giàu, đóng góp công sức xây dựng quê hương thứ hai giàu đẹp.

ADQuảng cáo

Nữ hiệu trưởng 2 trong 1

Bà Hà Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu, TP. Gia Nghĩa. Ngoài công việc ở trường, bà cũng là một doanh nhân khá thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh nông sản.

img_0097(1).jpg
Công ty TNHH MTV Thương mại Sơn Hảo Đắk Nông ra đời từ ý tưởng khởi nghiệp của bà Hà Thị Hảo

Bà Hảo sinh ra và lớn lên tại xã Yển Khê (nay là xã Hanh Cù), huyện Thanh Ba (Phú Thọ). Cuối năm 1999, bà Hảo lần đầu tiên đặt chân đến Đắk Nông rồi bén duyên, lập nghiệp nơi đây.

“Tôi không ngờ dịp vào Đắk Nông chơi với anh trai lại bén duyên với vùng đất Tây Nguyên. Nhờ cái duyên, nên sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tôi trở thành cô giáo dạy văn ở Gia Nghĩa”, bà Hảo cho hay.

Mảnh đất Đắk Nông là nơi bà Hảo xây dựng tổ ấm hạnh phúc, của mình. Ở tuổi 45, bà Hảo có một con trai, một con gái đều chăm ngoan, học giỏi.

Ở trường, bà Hảo là hiệu trưởng được trò yêu, đồng nghiệp quý mến. Về nhà bà đồng tâm, hiệp lực cùng chồng là doanh nhân Lương Quốc Sơn điều hành công ty kinh doanh phát triển.

Từ nhỏ, tôi đã rất đam mê kinh doanh và nuôi ước mơ trở thành doanh nhân. Tuy nhiên, lớn lên mẹ muốn tôi trở thành cô giáo. Để thỏa niềm đam mê của mình, tôi với chồng bắt tay vào kinh doanh và có được thành công như hôm nay.

Bà Hà Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu, TP. Gia Nghĩa

Năm 2008, bà Hảo cùng với chồng thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại Sơn Hảo Đắk Nông, thôn 7, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông).

Công ty chuyên kinh doanh các loại nông sản, vật tư nông nghiệp. Mỗi năm, công ty có doanh thu hàng tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách địa phương khá lớn.

“Từ khi đến Đắk Nông, tôi đã thấy được nông dân chủ yếu sinh sống dựa vào trồng cây công nghiệp, nhất là cà phê. Tôi nghĩ ngay đến kinh doanh nông sản. Tôi đưa ra ý tưởng và được chồng cùng gia đình 2 bên ủng hộ. Chúng tôi khởi nghiệp chỉ với 200 triệu đồng”, bà Hảo cho biết.

Tự hào là người con Phú Thọ

Đối với bà Hảo, được sinh ra và lớn lên tại đất Tổ Vua Hùng là niềm tự hào. Đây cũng chính là động lực để bà vươn lên trong các mặt công việc, đời sống.

img_0087(1).jpg
Công ty của gia đình bà Hà Thị Hảo tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động

Kể cả đi đến đâu, đi đến nơi nào sinh sống, tôi cũng luôn luôn tự hào mình được sinh ra và lớn lên tại quê hương đất Tổ. Tôi luôn phấn đấu trở thành một công dân tốt, sống có ích và giúp đỡ nhiều người.

Bà Hà Thị Hảo

Bà Hảo luôn răn mình và luôn nhắn nhủ chồng phải làm ăn chân chính, uy tín để giữ gìn hình ảnh người con đất Tổ. “Mình phải xứng đáng là con cháu Vua Hùng. Với tôi, sự năng động, sáng tạo trong công việc, trong lao động chính là góp sức xây dựng quê hương phát triển”, cô Hảo bày tỏ.

ba-hao.jpg

Từ khi khởi nghiệp kinh doanh nông sản đến nay, bàHảo luô n hài hòa lợi ích giữa kinh tế gia đình và người nông dân. Bởi theo bà, việc chia sẻ với nông dân vừa là trách nhiệm, vừa là cái tâm của người doanh nhân.

Hàng năm, công ty thường thuê các chuyên gia nông nghiệp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê cho từ 300-400 nông dân.

Công ty cung cấp các nguồn phân bón uy tín, chất lượng để giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tạo thu nhập hiệu quả hơn.

Khi nông dân cần vay vốn phát triển sản xuất, công ty sẵn sàng tạo điều kiện với mức lãi thấp. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, công ty sẵn sàng cho vay vốn không tính lãi để giúp họ làm ăn.

img_0086(1).jpg
Trong kinh doanh, bà Hà Thị Hảo luôn hài hòa lợi ích giữa kinh tế gia đình với người lao động, nông dân

“Đời sống của nông dân nâng lên thì công ty cũng phát triển. Nguồn vốn của công ty chúng tôi càng ngày tăng lên. Những năm gần đây, mỗi năm công ty đầu tư 17 tỷ đồng mua phân bón bán trả chậm cho người dân”, bà Hảo chia sẻ.

Công ty của gia đình bà Hảo hàng năm tạo việc làm cho khoảng 15 công nhân với mức lương ổn định từ 8-10 triệu đồng/tháng. Bà và gia đình tích cực đóng góp xây dựng địa phương, hỗ trợ các gia đình khó khăn bằng những việc làm thiết thực.

img_0118(1).jpg
Bà Hà Thị Hảo nhiều lần vinh dự được nhận giấy khen của các cấp, các ngành
ADQuảng cáo

Trong đó, mỗi năm dịp lễ, tết đều tặng khoảng 30 phần quà, mỗi phần 500.000 đồng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh... Những năm qua, bà Hảo và công ty vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành.

Vươn lên từ đất khó

Đến thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút (Đắk Nông) lập nghiệp từ năm 1992, anh Nguyễn Văn Thảo vẫn nhớ như in những ngày đầu đặt chân đến vùng đất bán sơn địa này.

nguoi-phu-tho(1).jpg
Các thành viên ban liên lạc Chi Hội đồng hương Phú Thọ thị trấn Ea T'ling, huyện Cư Jút (Đắk Nông) gặp mặt bàn về tổ chức ngày giỗ Tổ

Anh thảo cho hay: “Quê gốc của tôi ở xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Khi vào đây, nhận thấy đất đai, khí hậu vùng này khá phù hợp, nên tôi đã xác định phải bám trụ để lập nghiệp”.

Vùng đất phía Nam thị trấn Ea T’ling giáp xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút đa phần là đất sét pha sỏi đá, bạc màu, nên cây trồng phát triển kém. Nhưng với bản tính kiên trì, chịu khó, anh Thảo đã biến mảnh đất cằn của mình sinh quả ngọt.

d286502-1-.jpg
Anh Nguyễn Văn Thảo, tổ dân phố 1, thị trấn Ea T'ling, huyện Cư Jút vươn lên làm giàu trêm quê hương thứ hai Đắk Nông

Hiện nay, gia đình anh Thảo có 6ha đất canh tác. Thay vì chỉ độc canh cây điều và phó mặc cho tự nhiên, anh đã trồng thêm hồ tiêu, cà phê, sầu riêng, mắc ca, điều, dổi đỏ và chăm sóc bài bản, khoa học. Nhờ đó, các loại cây trồng đều phát triển tốt, cho năng suất ổn định, tăng thêm nguồn thu nhập.

Anh Thảo cho biết: “Với khí hậu nắng nóng, đất đai cằn cỗi, nếu sản xuất đơn thuần như các vùng khác thì cây cà phê, hồ tiêu không sống được chứ chưa nói đến ra hoa, đậu trái. Do đó, tôi phải tìm biện pháp cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất. Tôi chọn giống cây trồng thích hợp và chọn biện pháp đa canh để gia tăng giá trị sử dụng đất”.

Theo anh Thảo, đất đã canh tác 30 năm, nên cằn cỗi là điều không tránh khỏi. Do đó, anh đã chọn phương pháp canh tác hữu cơ, thuận tự nhiên để vừa chăm sóc vườn cây hiệu quả, vừa phục hồi dinh dưỡng trong đất.

a30-1-.jpg
Bằng biện pháp kỹ thuật tiến bộ, vườn cà phê của anh Nguyễn Văn Thảo cho năng suất ổn định

Ngoài hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoá học, anh Thảo đã tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón cho vườn cây. Trong đó, phần lớn khối lượng phân bón là do anh tự ủ từ xác, bã thực vật, đạm cá… để bổ sung dưỡng chất cho cây trồng.

Năm vừa rồi, gia đình anh có thu nhập trên 500 triệu đồng từ cà phê, hồ tiêu và các loại cây khác… “Như mọi năm, 3 tấn cà phê mới được 100 triệu, nhưng năm nay 3 tấn là đã có 300 triệu đồng rồi. Đến nay, cuộc sống gia đình trở nên ổn định”, anh Thảo cho hay.

ong-thao.jpg

Anh Thảo rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương Phú Thọ. Dù gắn bó, yêu quê thứ hai Đắk Nông rất nhiều, nhưng trong tâm tưởng anh luôn hướng về cội nguồn. "Tình yêu quê hương biến thành động lực giúp tôi vươn lên trong cuộc sống", anh Thảo chia sẻ.

Nêu gương sáng trong cộng đồng

Theo ông Lê Bạch Linh, Chi hội trưởng Chi hội Đồng hương Phú Thọ thị trấn Ea T'ling, huyện Cư Jút không chỉ làm giàu cho gia đình, những người con đất Tổ Vua Hùng giàu lòng tương thân, tương ái, nhiệt tình đóng góp xây dựng địa phương. Bà con quê hương Phú Thọ thật sự nêu gương sáng trong cộng đồng trên quê hương mới Đắk Nông.

anh-thao-ea-tling6(1).jpg
Anh anh Nguyễn Thành Phong bên chiếc xe ô tô phục vụ "0 đồng" cho người dân trong vùng

Cũng sinh sống tại thị trấn Ea T’ling hơn 30 năm nay, anh Nguyễn Thành Phong từng nhiều năm là hội viên nông dân xuất sắc của địa phương.

Từ những ngày đầu vào Đắk Nông với đôi bàn tay trắng, vợ chồng anh Phong đã kiên trì lao động, tích góp mua được hơn 7ha đất sản xuất.

“Trước những khó khăn về điều kiện tự nhiên, tôi đã chủ động lựa chọn vùng sản xuất, các loại cây, con phù hợp với đất đai, khí hậu của địa phương để nuôi, trồng. Nhờ đó, gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống, nuôi con cái khôn lớn”, anh Phong cho biết.

Tuy nhiên, hơn 3 năm trước, anh Phong đã quyết định bán toàn bộ rẫy vườn để thực hiện nguyện vọng mà anh đã ấp ủ từ nhiều năm trước đây.

Đó là, ngoài đầu tư mở quán phở tại nhà, anh chị còn mua một chiếc xe ô tô để thực hiện “chuyến xe 0 đồng” phục vụ người dân trong ngoài thôn.

“Ba năm nay, tôi thường xuyên giúp đỡ những gia đình có người ốm đau đi bệnh viện mà không lấy tiền. Chỉ khi bà con đi chữa bệnh ở TP. Hồ Chí Minh thì hỗ trợ cho tôi thêm tiền xăng dầu. Tôi phục vụ bà con bất kể đêm, ngày”.

anh-thao-ea-tling5(1).jpg
Ngoài lái xe giúp đỡ bà con ốm đau, khi rảnh rỗi, anh Nguyễn Thành Phong phụ vợ bán phở

Theo ông Nguyễn Hữu Ánh, Chủ tịch UBND thị trấn Ea T’ling, bà con quê hương Phú Thọ trên địa bàn luôn gương mẫu, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Trong làm ăn, phát triển kinh tế, họ rất cần cù, chịu khó. Đến nay nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

“Đặc biệt, trong phong trào xây dựng đô thị văn minh, bà con đã đóng góp nhiều công sức, tiền của, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển”, ông Nguyễn Hữu Ánh cho biết thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hương sắc Phú Thọ trên đất Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO