Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở Szazhalombatta, Hungary. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto ngày 20/4 cho biết công ty dầu khí MOL của nước này với công ty vận chuyển dầu Transnafta của Serbia đang tiến hành thương lượng về việc xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu nối ngôi làng Algyo ở miền Nam Hungary với thành phố Novi Sad tại miền Bắc Serbia.
Bộ trưởng Szijjarto cũng bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận giữa MOL và Transnafta sẽ được ký kết vào tháng 6 tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Năng lượng Serbia Dubravka Dedovic, ông Szijjarto nhấn mạnh châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức về nguồn cung năng lượng do cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, nhu cầu về năng lượng đã tăng lên sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, còn các năng lực về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) chưa phát triển đến mức có thể thay thế sự thiếu hụt 60 tỷ m3 khí đốt của Nga tại thị trường châu Âu.
Bộ trưởng Szijjarto nhấn mạnh hợp tác năng lượng chiến lược giữa Hungary với Serbia góp phần đảm bảo nguồn cung của Hungary vẫn sẽ được duy trì trong thời gian tới.
Cũng theo Bộ trưởng Szijjarto, Hungary hiện nhận từ 9-15 triệu m3 khí đốt mỗi ngày qua hệ thống đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (TurkStream) từ Serbia và Serbia cũng có thể bổ sung nguồn khí đốt tương đương với khối lượng khí đốt mà Budapest muốn mua từ Azerbaijan.
Do đó, Hungary quan tâm đến kế hoạch phát triển mạng đường ống nội bộ của Serbia và coi đây là một vấn đề của châu Âu, đồng thời kỳ vọng Liên minh châu Âu (EU) sẽ trở thành nhà tài trợ tài chính cho tiến trình phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực, qua đó cho phép khu vực Trung Âu tiếp cận với các nguồn năng lượng thay thế khác.
Bộ trưởng Szijjarto cũng thông báo hai bên đã đạt được một thỏa thuận khung, theo đó, trong năm nay Budapest cũng sẽ hỗ trợ lưu trữ 500 triệu m3 khí đốt của Serbia tại các kho dự trữ của Hungary.
Ngoài ra, công ty năng lượng nhà nước MVM của Hungary và đối tác Srbijagas của Serbia sẽ sớm thành lập công ty liên doanh để tiến hành các hoạt động giao dịch chung về khí đốt, qua đó gia tăng sự hiện diện của hai nước tại thị trường năng lượng Trung Âu.
Trước đó, hôm 11/4, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quan hệ kinh tế đối ngoại Hungary, ông Peter Szijjarto cho hay Hungary đã gia hạn thỏa thuận với Nga về nguồn cung khí đốt bổ sung và nhất trí về cơ chế thanh toán ưu đãi cho khối lượng nhiên liệu chính nhận được từ Tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga.
Ông Szijjarto nhấn mạnh khoảng 80-85% nguồn cung khí đốt cho Hungary được thực hiện trực tiếp từ Nga, do đó, tính liên tục và không gián đoạn có tầm quan trọng cơ bản và quyết định.
Ông Szijjarto lưu ý, năm ngoái các bên đã ký một thỏa thuận về việc cung cấp khí đốt bổ sung cho Hungary vượt quá khối lượng được quy định trong các hợp đồng dài hạn./.