Gần 4 năm nay, hàng ngày cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk M’bai đã dành một phần gạo theo tiêu chuẩn của mình để đóng góp vào "Hũ gạo biên cương". Trung úy Đinh Thanh Hoàng, Phó Bí thư Chi đoàn Đồn biên phòng Đắk M’bai chia sẻ: "Tuy không phụ trách địa bàn nhưng có gần 30 hộ, chủ yếu là đồng bào M’nông của 2 bon Sar Pa, Bu Đắk, xã Thuận An (Đắk Mil) có rẫy sản xuất trên khu vực biên giới do đơn vị quản lý. Quá trình tuần tra, quản lý biên giới, nhận thấy đời sống bà con còn nhiều khó khăn, nên chi đoàn đã đề xuất, vận động đoàn viên, thanh niên xây dựng “Hũ gạo biên cương” để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn và được chỉ huy đồng tình, ủng hộ”.
Số gạo góp được Đồn biên phòng Đắk M'bai dành tặng bà con khó khăn nơi biên giới |
Từ sáng kiến của chi đoàn, nhưng sau đó lan tỏa toàn đơn vị khi mọi người thấy việc làm hết sức ý nghĩa, nhân văn. Vì vậy, mỗi bữa nấu cơm, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị trích vào hũ vài bát gạo. Khi gạo đầy hũ, cho vào bao, đến cuối tháng, đơn vị liên hệ với địa phương nắm danh sách các hộ nghèo và những hộ sản xuất trên khu vực biên giới, thành viên tổ tự quản đường biên cột mốc có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ.
Chiến sĩ Nguyễn Văn Duy, Đội tổng hợp Đồn biên phòng Đắk M’Bai bộc bạch: “Mỗi lần cho gạo vào "Hũ gạo biên cương", tôi cảm thấy vui lắm. Tuy ít, nhưng qua nhiều ngày gom góp lại, giúp được bà con nghèo, mình mới thấy giá trị của hũ gạo này”.
Thường xuyên được đến thăm hỏi, động viên và tặng gạo, ông Ma In, ở bon Sar Pa, xã Thuận An xúc động: “Gia đình sản xuất trên khu vực biên giới, không chỉ được bộ đội biên phòng thường xuyên qua lại giúp đỡ, thu hoạch mùa màng mà còn hỗ trợ gạo, nên cuộc sống bớt đi những khó khăn”.
Mỗi phần gạo không nhiều nhưng làm ấm lòng bà con trên biên giới |
Cứ như thế, “Hũ gạo biên cương” đã giúp được nhiều bà con nghèo vượt qua những lúc khó khăn. Ông Ma Xuyên, nhà bon Bu Đắk, xã Thuận An, Tổ trưởng Tổ tự quản đường biên, cột mốc cho biết: “Bà con mình làm rẫy ở đây, gia đình nào khó khăn đều được sự hỗ trợ, giúp đỡ của đồn. Khi tặng gạo, bộ đội mang đến tận rẫy, vừa thăm hỏi, vừa động viên gia đình, thấy ấm áp tình người. Thấy được tình cảm bộ đội dành cho mình, bà con lên rẫy đều chấp hành các quy định, khi phát hiện có gì bất thường, người lạ vào khu vực biên giới đều báo cho lực lượng biên phòng”.
Mô hình "Hũ gạo biên cương" không chỉ giúp người nghèo có gạo ăn trong lúc khó khăn, mà còn rèn cho cán bộ, chiến sĩ tính tiết kiệm, đặc biệt là giáo dục tinh thần biết sống trách nhiệm với người dân, cộng đồng.
Thiếu tá Nguyễn Bá Long, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Đắk M’bai cho biết: "Cách làm này của chi đoàn rất hay, thể hiện được trách nhiệm của người lính đối với bà con nơi biên giới. Vì thế, chúng tôi ủng hộ và giúp sức để “Hũ gạo biên cương” luôn đầy, ngày càng được phát huy".