Kinh tế

HTX Dano Farm tạo sức sống mới cho thổ cẩm Đắk Glong

Hưng Nguyên 05/09/2023 05:18

Dùng sợi tơ tằm thay thế cho sợi len công nghiệp, HTX Dano Farm đang tạo sức sống mới cho dệt thổ cẩm truyền thống ở Đắk Glong (Đắk Nông).

dsc06943(1).jpg
Bà Đàm Thị Tình, thôn 1, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) tạo nguồn thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm

Trên 3 ha đất, bà Đàm Thị Tình, ở thôn 1, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) dành 5.000m2 trồng dâu nuôi tằm. Sau khi đi tìm hiểu và được tập huấn kỹ thuật, bà Tình đi mua giống dâu về trồng.

Bà tận dụng hơn 40 m2 nhà ở làm khu vực nuôi tằm. Dựa vào số lượng dâu trồng được làm thức ăn cho tằm, bà Tình nhập giống về nuôi. Mỗi tháng, bà nuôi từ 1 – 2 hộp giống tằm. Mỗi hộp khoảng 15 ngày nuôi, mang lại thu nhập bình quân từ 7 – 10 triệu đồng.

Bà Tình cho biết, đây là nguồn thu nhập khá lớn cho người làm nông nghiệp như bà. Trồng dâu, nuôi tằm giúp bà có nguồn thu nhập thường xuyên. Ngoài ra, bà tận dụng phân tằm bón cho cây trồng, từng bước hình thành quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

dsc06919(1).jpg
HTX Dano Farm tạo nguồn thu nhập và hình thành vùng nguyên liệu tơ tằm bài bản

Bà Tình là 1 trong 48 hộ dân tham gia trồng dâu, nuôi tằm do HTX Dano Farm triển khai nhiều năm nay. Hiện nay, HTX đã phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm với 68 ha. HTX đã hình thành được vùng sản xuất, kết nối tiêu thụ kén; tạo được nguồn thu nhập cho các hộ tham gia.

Bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX cho biết, HTX tạo thu nhập cho người dân, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Bình quân thu nhập của các hộ từ trồng dầu nuôi tằm khoảng 7 - 14 triệu/tháng.

Việc trồng dâu, nuôi tằm và thu kén còn được HTX Dano Farm phát triển gắn với việc bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc bản địa. Cụ thể, HTX đã thành lập nhóm dệt thổ cẩm với 55 thành viên.

Các thành viên được hướng dẫn cách dệt thổ cẩm, quy trình quay tơ. Thổ cẩm của HTX được dệt bằng sợi len tơ tằm thay vì sợi len tổng hợp như trước đây. Đến nay, hầu hết các thành viên trong nhóm đã dệt thành công các mẫu khăn, túi, áo bằng sợi tơ tằm.

dsc06799(1).jpg
Chị H'Duyên dệt thổ cẩm bằng sợi len tơ tằm của HTX Dano Farm

Cũng theo bà Liên, HTX đã đưa sơi tơ tằm vào dệt thay thế hoàn toàn sợi len Trung Quốc. Điều này giúp nâng cao giá trị của sản phẩm thổ cẩm truyền thống.

HTX đã đưa các mẫu khăn, túi xách, vải áo thổ cẩm... về cho các thành viên dệt và đã thành công. Hiện nay, HTX đang triển khai dệt thổ cẩm theo đơn đặt hàng. Các sản phẩm đều được làm bằng sợi tơ tằm 100%, có hoa văn truyền thống của dân tộc M'nông.

Ngoài hình thành vùng trồng dâu nuôi tằm, HTX đã đầu tư máy kéo sợi tơ tằm. Thời gian tới, HTX sẽ tạo thành chuỗi sản xuất từ trồng dâu nuôi tằm đến quay tơ, dệt thổ cẩm.

"Chúng tôi sẽ cho ra thị trường nhiều mẫu sản phẩm thổ cẩm dệt bằng sợi tơ tằm đặc sắc. Cách làm của chúng tôi là chất lượng, duy trì bản sắc văn hóa bản địa và ổn định lâu dài", bà Liên cho biết.

dsc06770(1).jpg
Sản phẩm khăn quàng thổ cẩm dệt từ sợi tơ tằm của HTX Dano Farm.

Theo ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, UBND huyện Đắk Glong đã mở lớp học dệt thổ cẩm cho các thành viên HTX Dano Farm. Qua lớp học, các thành viên được hướng dẫn quy trình tạo ra sản phẩm dệt thổ cẩm từ sợi tơ tằm.

Dệt thổ cẩm bằng sợi tơ tằm mở ra hướng mới trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tại địa phương. Dệt thổ cẩm đã tạo việc làm và nguồn thu nhập cho nhiều người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        HTX Dano Farm tạo sức sống mới cho thổ cẩm Đắk Glong
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO