HTX Bình Minh dẫn dắt ngành hàng hồ tiêu Cư Jút
Được dẫn dắt bởi HTX, nhiều nông dân huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã xây dựng được chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất hồ tiêu.
Cư Jút là địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển cây nông nghiệp dài ngày, trong đó có cây hồ tiêu. Huyện Cư Jút có gần 2.800ha hồ tiêu, sản lượng đạt trên 5.500 tấn/năm.
Để hồ tiêu phát huy vị thế, mang lại thu nhập cho người dân, huyện Cư Jút đã triển khai các chương trình khuyến nông, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu. Trên địa bàn huyện bước đầu hình thành vùng trồng hồ tiêu theo chuỗi liên kết giá trị xã Ea Pô.
Những năm qua, HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bình Minh (HTX Bình Minh) được đánh giá là đơn vị đi đầu, dẫn dắt có hiệu quả sản xuất hồ tiêu theo chuỗi liên kết giá trị ở Cư Jút.
Theo ông Lê Anh Sơn, Giám đốc HTX Bình Minh cho biết, đơn vị đã kết nối với nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH, Công ty Cổ phần Tư vấn TMT Consulting... để bảo đảm đầu ra hồ tiêu ổn định, tránh được biến động của thị trường.
Hiện nay, HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu trên địa bàn 5 huyện, 14 xã, với 27 nhóm nông hộ. Số hộ nông dân liên kết với HTX sản xuất hồ tiêu là 972 hộ.
Đến nay, diện tích hồ tiêu liên kết chuỗi giá trị của HTX là 1.420ha, sản lượng 3.031,9 tấn/năm. Thời gian qua, HTX đã tổ chức tập huấn cho trên 3.500 lượt hộ thành viên, nông dân về sản xuất hồ tiêu chất lượng cao, phát triển các chuỗi liên kết.
Hiện đã có 493 nông dân liên kết với HTX tham gia chương trình chứng nhận trong sản xuất hồ tiêu, với diện tích 714,6ha, sản lượng 1.525,3 tấn/vụ. Diện tích hồ tiêu của HXT đã đạt chứng nhận Rainforest Alliance là 484ha, sản lượng 680 tấn/vụ, với 250 nông hộ tham gia.
Gia đình bà Phạm Thị Cát, xã Cư K’nia, huyện Cư Jút có gần 2ha hồ tiêu. Năm 2023, bà Cát đã tham gia chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu bền vững của HTX Bình Minh.
Nhờ áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật và sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững, vườn hồ tiêu của bà Cát sinh trưởng, phát triển ổn định, đạt năng suất cao, thu nhập ổn định.
“HTX đã triển khai nhiều hoạt động sát với thực tế sản xuất nên đã giúp thay đổi thói quen canh tác, bán sản phẩm của thành viên, nông dân. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân,” Giám đốc HTX Bình Minh Lê Anh Sơn cho biết.
Theo ông Lê Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Cư K’nia, những vườn tiêu chăm sóc theo hướng hữu cơ bền vững có nhiều ưu điểm như tiết kiệm chi phí đầu tư, hạn chế sâu bệnh gây hại, năng suất ổn định, giá bán cao hơn thị trường…
Để nâng cao chuỗi giá trị hồ tiêu, xã khuyến cáo người dân tích cực liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, HTX, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để canh tác tiêu theo các tiêu chuẩn chứng nhận.
Theo Phòng NN – PTNT huyện Cư Jút, hiện nay, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu được HTX Bình Minh và nông dân trên địa bàn chú trọng.
HTX Bình Minh đã phát huy được vai trò dẫn dắt, kết nối tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu cho thành viên và các nông dân trên địa bàn. Các thành viên HTX, nông dân được tham gia tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, từng bước tham gia sâu vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu tại địa phương.
Diện tích hồ tiêu Đắk Nông hiện ở mức 34.000ha, năng suất bình quân khoảng 2,4 tấn/ha; tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 70.000 tấn/năm. Đắk Nông đã có 547ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ, khoảng 332 ha áp dụng quy trình GAP.