Hợp tác xã ở Đắk Nông bắt nhịp với kinh tế thị trường
Sau 20 năm tái lập tỉnh, các hợp tác xã (HTX) của Đắk Nông ngày càng phát triển cả chất lượng, số lượng, thích ứng với kinh tế thị trường.
Năm 2004, Đắk Nông chỉ có 52 HTX nhưng hoạt động theo kiểu cũ, riêng lẻ, rời rạc, kém hiệu quả thì đến nay có 280 HTX. Hiện các HTX hoạt động theo luật, tổ chức sản xuất, kinh doanh bài bản hơn nâng tỷ lệ HTX hoạt động khá chiếm trên 38%, trung bình chiếm gần 55%, yếu kém dưới 7%.
Các HTX tạo việc làm cho gần 17.130 thành viên và trên 8.000 lao động. Doanh thu bình quân của HTX năm 2023 đạt 1.650 triệu đồng; vốn điều lệ 1.550 triệu đồng; tài sản đạt 2.459 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX Thịnh Phát, huyện Đắk Glong cho biết: Chúng tôi đã tập hợp nông dân tham gia trở thành thành viên, khai thác lợi thế phát triển rau, củ, quả.
HTX liên kết với các công ty phân phối sản phẩm tại các siêu thị, chợ đầu mối, xuất khẩu từ đó nâng cao thu nhập cho thành viên. Hiện nay, trung bình mỗi ha đem lại cho thành viên, nông dân khoảng 100-200 triệu đồng, góp phần xóa đói, vươn lên khá, giàu.
Các HTX đã tập hợp đông đảo nông dân tham gia phát triển theo hướng vững chắc, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Các cây chủ lực được HTX mở rộng diện tích, phát triển theo hướng tập trung, liên kết sản xuất hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung. Đắk Nông ngày càng có nhiều HTX kiểu mới, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hoàn chỉnh từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 37 chuỗi giá trị sản phẩm cà phê, tiêu, rau đậu, củ quả, lúa gạo và chăn nuôi. Đến nay, Đắk Nông có 23 HTX với 26 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó 5 sản phẩm đạt 4 sao, số còn lại đạt 3 sao.
Nhiều HTX sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Nông sản của các HTX đạt UTZ, Oganic, EU, UDA, YAZ, Fairtrade, tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn ngành hàng… phát triển chuỗi giá trị, đáp ứng thị trường trong nước, xuất khẩu.
Ông Trần Đình Lượng, Giám đốc HTX Nam Hà, huyện Cư Jút cho biết: HTX được Liên minh HTX Đắk Nông, địa phương tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, phương án kinh doanh, từ đó đầu ra sản phẩm gấc được sơ chế, chế biến có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của các đối tác xuất khẩu.
Những năm gần đây, sản phẩm của các HTX trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu sang nhiều nước. Trong đó, HTX Tia Sáng ở TP. Gia Nghĩa xuất khẩu chanh dây sang thị trường Hàn Quốc khoảng 500 tấn/năm.
Từ năm 2018 đến nay, HTX Nam Hà, huyện Cư Jút xuất khẩu gấc sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc trên 100 tấn sản phẩm. Các HTX xuất khẩu cà phê sang châu Âu, châu Mỹ với số lượng khoảng 500 tấn/năm.
Hồ tiêu xuất sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Trung Đông mỗi năm khoảng 1.000 tấn. Mắc ca xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ. Các sản phẩm rau, củ quả được sơ chế, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc trên 300 tấn…
Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông đánh giá: Các HTX đã và đang khẳng định rõ vai trò nòng cốt dẫn dắt, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. HTX góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an ninh, an toàn xã hội.
Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 có trên 360 HTX với trên 17.000 thành viên; trên 60% HTX hoạt động có hiệu quả; 50% HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Các HTX tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, có sản phẩm xuất khẩu theo chuỗi giá trị ra thị trường trong và ngoài nước.