Hiện nay, HTX có 35 thành viên chính thức, với 160 ha hồ tiêu. Trong đó, HTX có 77,5 ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ, Nhật Bản, Canada và EU.
Thành viên HTX Nông nghiệp Hoàng Nguyên đã tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng hồ tiêu hữu cơ theo các tiêu chuẩn khắt khe của thế giới |
Năm nay, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng HTX vẫn bán hồ tiêu hữu cơ với giá trung bình 95 triệu đồng/tấn. Thậm chí, có thời điểm cao nhất, HTX bán với giá lên tới 120 triệu đồng/tấn tiêu đen hữu cơ.
Lợi nhuận từ trồng tiêu hữu cơ mang lại hiệu quả khá cao nên nhiều nông dân ngày càng quan tâm đến hình thức canh tác này. Họ muốn tham gia vào HTX để sản xuất tiêu một cách hiệu quả hơn. Bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Hoàng Nguyên cho biết, hiện nay có hơn 1.000 hộ xin vào làm thành viên của HTX.
Trong đó, riêng ở thôn 8 của xã Thuận Hà (Đắk Song) có hơn 600 hộ. Ngoài ra, nông dân ở các tỉnh như Đắk Lắk, Bình Phước cũng muốn xin gia nhập HTX. Qua khảo sát sơ bộ, với 1.000 hộ xin gia nhập HTX thì đã có tổng cộng khoảng 3.000 ha hồ tiêu.
Do còn vướng một số yếu tố, nên HTX chưa thể kết nạp các hộ xin đăng ký vào làm thành viên. Thế nhưng, qua con số thống kê đó, có thể nhận thấy, người dân ngày càng quan tâm đến việc sản xuất hồ tiêu hữu cơ.
Cũng theo bà Thu, năm 2021, HTX Hoàng Nguyên có kế hoạch xuất khẩu 250 tấn sản phẩm tiêu hữu cơ. Đối tác có nhu cầu đặt hàng số lượng nhiều, nhưng do diện tích hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ còn ít, nên HTX chưa thể ký hợp đồng.
Hiện nay, HTX đang lên kế hoạch mở rộng thêm diện tích tiêu hữu để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thế nhưng, vấn đề này HTX cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi vì, theo bà Thu, nếu mở rộng diện tích mà việc sản xuất tiêu hữu cơ không tốt, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của HTX.
"Các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông có diện tích hồ tiêu rất lớn và đây là lợi thế để chúng tôi khai thác. Chúng tôi sẽ tập trung hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang sản xuất hồ tiêu hữu cơ một cách bền vững", bà Thu chia sẻ.