Mũi nhọn phát triển OCOP
Cách đây 12 năm, HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) được thành lập. Thời gian qua, HTX đã khai thác tốt lợi thế vùng sản xuất cà phê rộng lớn trên địa bàn để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao.
Không chỉ áp dụng khoa học vào chăm sóc để tăng năng suất, chất lượng nguyên liệu, HTX còn chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm cà phê bột. Nhờ những nỗ lực đó, năm 2020, sản phẩm "Cà phê bột Đắk Đam" của HTX đạt OCOP hạng 4 sao.
Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX cho biết, Thuận An có nhiều lợi thế để phát triển cà phê chất lượng cao. Trong đó, nổi bật nhất là UBND tỉnh đã công nhận Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao Thuận An, với quy mô 335 ha.
Đây là động lực để HTX tiếp tục đầu tư, phát triển thương hiệu cà phê. "Hiện nay, HTX đã đầu tư, nâng cấp khu chế biến, hệ thống máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Hạ cho biết.
"Cà phê bột Đắk Đam" của HTX Công Bằng Thuận An đạt OCOP hạng 4 sao |
HTX Nông nghiệp Krông Nô hiện đã có 2 sản phẩm nông sản được chứng nhận OCOP hạng 3 sao là "Ca cao Duy Nghĩa" và "Chocolate Duy Nghĩa".
Ông Vũ Duy Nghĩa, Giám đốc HTX cho biết, qua tìm hiểu thị trường trong nước và quốc tế, HTX nhận thấy có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm từ ca cao.
Trong khi, ở Đắk Nông nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, diện tích cây ca cao khá lớn. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho HTX có thể chế biến ca cao và chocolate.
Vì thế, HTX đã tập hợp nông dân để sản xuất ca cao. HTX ứng dụng khoa học, công nghệ của Italia phục vụ chế biến các loại sản phẩm. Để sản phẩm đạt chất lượng cao, HTX mời các chuyên gia tư vấn về chế biến ca cao.
Đến nay, sản phẩm của HTX đã có mặt tại các thành phố lớn trong nước. Từ khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, nhiều đối tác đã biết đến chocolate và ca cao Đắk Nông.
"Điều này khẳng định hướng đi đúng đắn của HTX. Nó đang mở ra triển vọng phát triển mạnh mẽ cho ngành hàng ca cao của Đắk Nông trong thời gian tới", ông Nghĩa chia sẻ.
Tỉnh Ðắk Nông hiện có 235 HTX, trong đó 180 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, 16 HTX đã cho ra đời 19 sản phẩm OCOP các loại. |
HTX Nông nghiệp Krông Nô thành công với sản phẩm chocolate OCOP hạng 3 sao |
Đa dạng hóa sản phẩm
Thời gian qua, các HTX đã khai thác các lợi thế trong sản xuất nông nghiệp để đa dạng hóa các sản phẩm OCOP. Đến nay, sản phẩm OCOP của các HTX gồm nhiều loại nông sản như: cà phê, hồ tiêu, ca cao, lúa gạo, mắc ca, sầu riêng, gấc, xoài, cam sành, quýt đường...
Theo ông Hà Quang Đạo, Giám đốc HTX Nông nghiệp - thương mại - dịch vụ xoài Đắk Gằn (Đắk Mil), khi tiềm lực tài chính còn chưa đủ mạnh, HTX đã vận dụng, tận dụng các lợi thế tại địa phương để phát triển OCOP.
Hiện nay, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành đang hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm xoài Đắk Gằn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và nhiều nước khác.
Ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian qua, các HTX đã đóng góp rất nhiều trong việc phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Các HTX đã biết khai thác, tận dụng các tiềm năng, lợi thế để đa dạng hóa các loại sản phẩm OCOP. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của các HTX đã tạo được uy tín cao, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như lúa gạo, mắc ca, xoài, ca cao, cà phê, hồ tiêu...
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn kiến thức về OCOP cho HTX. Liên minh HTX tỉnh sẽ đồng hành với các HTX để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển OCOP.