Hợp tác xã nâng tầm cho nông sản Đắk Nông
Các hợp tác xã (HTX) ở Đắk Nông đầu tư nhiều nông sản thành sản phẩm OCOP, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế.
Đầu tư OCOP cho nông sản chủ lực
HTX đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng nông sản trở thành sản phẩm OCOP. Minh chứng cho thấy, trong số 96 sản phẩm OCOP hiện nay của 78 chủ thể ở Đắk Nông có 35 sản phẩm của 28 HTX.
Các HTX tập trung khai thác thế mạnh về nông sản chủ lực, đặc trưng của Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung để phát triển thành sản phẩm OCOP. Trong số 35 sản phẩm đạt OCOP của các HTX có 11 sản phẩm cà phê, 4 sản phẩm hồ tiêu.
HTX Nông lâm nghiệp Đắk Mil, huyện Đắk Mil có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 gồm cà phê bột đặc sản robusta Đắk Mil và cà phê nhân xanh đặc sản robusta Đắk Mil.
Ông Võ Đình Danh, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Đắk Mil chia sẻ: “Chúng tôi đang hiện thực hóa phát triển vùng cà phê đặc sản tại Đắk Mil. HTX đang liên kết với các hộ dân sản xuất trên 30ha cà phê cà phê đặc sản".
"HTX đang thực hiện sản xuất “khép kín” theo chuỗi giá trị từ chăm sóc tại cà phê vườn rẫy đến thu hoạch, ứng dụng công nghệ, máy móc rang xay, chế biến và bảo quản để tăng giá trị cho sản phẩm OCOP”, ông Danh cho biết.
Ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông đánh giá, HTX đã đầu tư công nghệ sản xuất và chế biến. HTX áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế từ quy trình sản xuất, trồng trọt, thu hoạch đến chế biến và bảo quản.
"Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng sản phẩm cà phê mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng uy tín trên thị trường”, ông Thám chia sẻ.
Ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa cho biết, vùng đất Đắk Nông thuận lợi phát triển hồ tiêu.
Nắm bắt nhu cầu của thị trường trong nước, quốc tế, HTX đã sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Từ năm 2018, sản phẩm hồ tiêu của HTX đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu, Mỹ. Hiện tại, HTX có 12ha hồ tiêu đạt những tiêu chuẩn hữu cơ của thị trường này.
Những năm qua, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông đầu tư nhà kính, máy móc để phơi, sấy, đóng gói nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Năm 2023, sản phẩm hồ tiêu hữu cơ NAFA của HTX đạt OCOP 3 sao. Từ khi đạt OCOP, các thành viên HTX phấn khởi, trong đó niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm tăng lên đã trở thành động lực cho chúng tôi sản xuất hữu cơ”, ông Thạch chia sẻ.
Hồ tiêu hữu cơ được HTX bán giá cao hơn hồ tiêu thông thường trên thị trường khoảng 30% đã tăng lợi nhuận cho nông dân. “Chúng tôi tiếp tục đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới phấn đấu đạt OCOP 4 sao”, ông Thạch cho biết.
Xây dựng thương hiệu từ OCOP 4 sao
Chị Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú, huyện Krông Nô cho biết, HTX vinh dự có 2 sản phẩm đạt OCOP hạng 4 sao là cam sành núi lửa và quýt đường núi lửa.
Những giá trị dinh dưỡng riêng biệt từ nham thạch của núi lửa cùng với quy trình canh tác hữu cơ đã tạo hương vị cam sành, quýt đường trồng trên vùng đất đá của Krông Nô riêng biệt với nhiều vùng khác.
Những năm qua, HTX trồng 20ha cam sành, quýt đường được trồng ở vùng đất của núi lửa Nâm Kar mỗi năm cung cấp thị trường khoảng 200 tấn quả. HTX chủ yếu cung cấp quả tươi cho hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm, nông sản sạch trong nước.
“Để đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, HTX đã đầu tư chế biến sấy khô cam sành, quýt đường. Chúng tôi đang liên kết mở rộng quy mô, áp dụng kỹ thuật vào chế biến sâu để tạo ra nhiều sản phẩm, nâng cao giá trị OCOP”, chị Mai thông tin.
Nhờ được thừa hưởng những ưu đãi đặc biệt từ vùng đất núi lửa, sản phẩm mang thương hiệu bơ núi lửa Krông Nô của HTX Nông nghiệp dịch vụ Bơ núi lửa Krông Nô đã khẳng định uy tín từ OCOP 4 sao.
Trong số 18 sản phẩm đạt OCOP hạng 4 sao hiện nay của Đắk Nông thì các HTX có 4 sản phẩm. Tất cả các sản phẩm hạng 4 sao của các HTX đều là trái cây và đang khẳng định uy tín về tổ chức sản xuất, kỹ thuật canh tác, chất lượng sản phẩm trên thị trường.
Huyện Krông Nô đang phát huy giá trị của các sản phẩm OCOP trên vùng đất này gắn với thương hiệu núi lửa, gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và phát triển du lịch. Các sản phẩm OCOP được huyện Krông Nô chọn là sản phẩm du lịch của địa phương.
Tại bon R'Bút, xã Quảng Sơn, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đắk Glong, HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Sangs Farm đã xây dựng vườn bưởi da xanh 10ha đạt OCOP 4 sao.
Ông Ngô Xuân Hiếu, thành viên HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Sangs Farm chia sẻ, trên vùng đất này, bà con chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu.
Tuy nhiên, HTX nhận thấy thị trường trái cây trong nước và thế giới rất tiềm năng nên chọn cây bưởi da xanh để phát triển. Thực tế, cây bưởi phát triển tốt trên đất Quảng Sơn với năng suất thời kỳ kinh doanh đạt sản lượng 100 tấn/năm, thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng.
Góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn
Chương trình OCOP mang lại nhiều kiến thức hay, làm thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể HTX và thành viên. OCOP đã tạo điều kiện cho người dân, HTX tham gia sâu hơn vào chế biến nông sản, kết nối, xúc tiến thương mại hiệu quả.
Anh Trần Đình Lượng, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút chia sẻ: “Ban đầu, HTX chỉ liên kết với nông dân trồng gấc. Tuy nhiên, càng phát triển chúng tôi càng tạo ra nhiều sản phẩm từ gấc. Đến nay, HTX có các sản phẩm như màng gấc, bột gấc, tinh dầu gấc và bún gấc. Bún gấc thiên nhiên của chúng tôi đạt OCOP và ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường”.
HTX Nam Hà đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng dây chuyền máy móc, nhà máy chế biến, nhà kính phơi sấy… để tăng công suất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện tại, mỗi năm HTX cung ứng khoảng 150 tấn bún gấc cho thị trường trong nước. HTX liên kết với khoảng 200 hộ dân trồng 100ha gấc đồng thời chế biến sản phẩm đang tạo việc làm cho khoảng 200 lao động.
Ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông đánh giá, những năm qua, Đắk Nông luôn quan tâm, tạo điều kiện để các HTX xây dựng, hình thành các sản phẩm đạt OCOP.
Địa phương tạo điều kiện hỗ trợ các HTX về quy trình kỹ thuật trồng trọt, tiếp cận nguồn vốn, thủ tục làm chứng nhận OCOP. Các HTX có sản phẩm OCOP đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Đắk Nông đẩy mạnh hỗ trợ về máy móc chế biến, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm đạt OCOP. Liên minh HTX và các huyện, thành phố luôn khuyến khích các chủ thể OCOP phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, phát triển theo chuỗi giá trị.
Nhờ vào sự nỗ lực và sáng tạo của các HTX, Đắk Nông đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường nông sản, với các sản phẩm OCOP chất lượng cao.
Ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông