Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham gia các hội nghị, cùng đại diện các nước đánh giá kết quả và đưa ra định hướng hợp tác, trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế. Các đối tác khẳng định ủng hộ nỗ lực, cách tiếp cận cân bằng, khách quan và lập trường chung của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Tại Hội nghị EAS, các Bộ trưởng khẳng định ý nghĩa đặc biệt của EAS là diễn đàn đối thoại về các nội dung chiến lược, thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng bền vững tại khu vực. Các bên cam kết phát huy hơn nữa vai trò của EAS, tăng cường đối thoại chân thành, tham vấn tin cậy, hợp tác thiết thực; góp phần nâng cao khả năng thích ứng của các nước, định hình cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch và đề cao luật pháp quốc tế, với ASEAN ở vị trí trung tâm. Hội nghị thông qua Kế hoạch Hành động EAS giai đoạn 2024-2028, với 16 lĩnh vực cụ thể như phát triển bền vững, hợp tác hàng hải, xúc tiến thương mại, kết nối, giáo dục, an ninh lương thực…
Tại Hội nghị ASEAN-Mỹ, các Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy hơn nữa quan hệ ASEAN-Mỹ, thông qua phối hợp làm sâu sắc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, ứng phó thách thức an ninh phi truyền thống. ASEAN và Mỹ nhất trí tăng cường hợp tác về chuyển đổi năng lượng, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu... ASEAN hoan nghênh đề xuất của Mỹ hợp tác triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Mỹ thông báo thành lập Trung tâm ASEAN-Mỹ nhằm hỗ trợ nỗ lực này.
Tại các hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thông qua tham vấn, EAS đã góp phần thúc đẩy văn hóa đối thoại và hợp tác, gia tăng điểm tương đồng, thu hẹp khác biệt, tăng cường tin cậy giữa các nước. Bộ trưởng đánh giá cao cam kết và sự ủng hộ của các đối tác dành cho ASEAN, đồng thời nhấn mạnh cam kết đó cần được thể hiện bằng hành động, thông qua tham gia tích cực, đóng góp hiệu quả các cơ chế do ASEAN chủ trì. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, ASEAN sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ đưa quan hệ hai bên phát triển thực chất, hiệu quả, cùng có lợi, góp phần thúc đẩy đối thoại, định hình và chia sẻ chuẩn mực ứng xử giữa các nước.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các đối tác thể hiện trên thực tế sự tôn trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cùng ASEAN thúc đẩy đối thoại, tham vấn, xây dựng lòng tin, ứng phó các thách thức chung, xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và đề cao luật pháp quốc tế. Bộ trưởng khẳng định lập trường chung của ASEAN về Biển Ðông, đề nghị các đối tác tiếp tục ủng hộ và đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực do ASEAN dẫn dắt trong bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Ðông, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, xây dựng Biển Ðông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Trước đó, trong khuôn khổ tham dự AMM-56, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (A.Blin-ken). Hai bên nhấn mạnh về tiến triển tích cực trong hợp tác hai nước và khẳng định sự coi trọng của lãnh đạo hai nước đối với quan hệ Ðối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, Việt Nam sẵn sàng cùng Mỹ tiếp tục đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, hướng tới nâng tầm quan hệ khi điều kiện phù hợp.
Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn với Ðại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Joseph Borrell (G.Bo-ren), hai bên hoanh nghênh sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Ðối tác toàn diện Việt Nam-EU; nhất trí tăng cường tiếp xúc, trao đổi và thực thi có hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Ông Borrell khẳng định, EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các nước EU sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) và EU xem xét sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với hải sản của Việt Nam.
Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ AMM-56, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng đại diện các nước dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 30. Các nước rà soát tình hình triển khai các hoạt động của Diễn đàn trong niên khóa 2022-2023, trao đổi phương hướng ARF thời gian tới và thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung kỷ niệm 30 năm thành lập ARF do Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, Australia và Canada đồng bảo trợ. Tuyên bố tái khẳng định vai trò dẫn dắt của ASEAN trong cấu trúc khu vực, cam kết thúc đẩy đối thoại xây dựng, tăng cường hợp tác, bảo đảm sự tham gia chủ động, đầy đủ và đóng góp của các nước cho sự phát triển của ARF.
Kết thúc chuỗi hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao thông qua và ghi nhận gần 40 văn kiện các loại, trong đó Thông cáo chung Hội nghị AMM-56 phản ánh toàn diện các nội dung và kết quả thảo luận.