Hơn 99% vốn ưu đãi ở Đắk Nông ủy thác qua các tổ chức hội
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Đắk Nông phối hợp với các đơn vị nhận ủy thác, kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người dân.
Trên 99% dư nợ qua các đơn vị ủy thác
Hội Phụ nữ xã Thuận An, Đắk Mil (Đắk Nông), là một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả công tác ủy thác nguồn vốn. Toàn hội hiện quản lý 9 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), với tổng dư nợ gần 15 tỷ đồng. Cả xã có 400 hội viên được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận An bà Phan Thị Lệ Hằng, đơn vị luôn chú trọng công tác ủy thác nguồn vốn, vì đây là cầu nối mang nguồn vốn ưu đãi đến các hội viên.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, hội đã thành lập hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn dưới cơ sở, giúp các thành viên dễ dàng tiếp cận dịch vụ tín dụng ưu đãi.
Một số hạn chế trong quá trình rà soát đối tượng vay vốn tại cơ sở cũng được khắc phục kịp thời. Phía ngân hàng luôn hỗ trợ về chuyên môn và nghiệp vụ cho các tổ chức hội.
Theo Hội Nông dân tỉnh, đến nay, nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH qua đơn vị là 1.300 tỷ đồng, chiếm trên 29% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh.
Quy trình bình xét, giải ngân và hướng dẫn sử dụng vốn luôn được Hội phối hợp thực hiện tốt. Hội cũng tích cực tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao năng lực lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho các hội viên.
Đến cuối tháng 8/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Đắk Nông đạt 4.560 tỷ đồng. Trong đó, hơn 4.510 tỷ đồng là nguồn vốn cho vay ủy thác qua 4 tổ chức hội: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên, chiếm hơn 99%.
Phối hợp chặt chẽ
Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, đơn vị luôn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để triển khai hiệu quả các nội dung đã ký kết. Chi nhánh thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên đề về chất lượng tín dụng và các giải pháp nâng cao hiệu quả cho đội ngũ cán bộ làm công tác hội tại cơ sở.
Từ đó, các đơn vị nhận ủy thác chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát theo hệ thống của mình. Các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác cũng được các đơn vị này chú trọng.
Mặc dù, đạt được nhiều kết quả, một số hội và đoàn thể cấp xã vẫn chưa tích cực củng cố, kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn. Công tác phối hợp nắm bắt thông tin về hộ vay gặp rủi ro hoặc hộ đi làm ăn xa tại một số địa phương còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến việc cho vay, thu lãi và thu hồi nợ trên địa bàn.
Theo Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, ông Vũ Anh Đức, chi nhánh luôn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện hiệu quả nguồn vốn ủy thác. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác dưới cơ sở sẽ được phòng giao dịch NHCSXH các huyện triển khai thường xuyên.
NHCSXH cũng phát hiện, phân tích các tồn tại để đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời. Quá trình kiểm tra hoạt động của hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ được chi nhánh chú trọng hơn, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tín dụng chính sách.
“Các tổ chức hội và đoàn thể dưới cơ sở được kiện toàn tốt sẽ giúp nâng cao hoạt động bình xét, cho vay, thu lãi, và thu tiết kiệm. Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng công tác này, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn”, ông Đức chia sẻ.