
Hội nghị giao thương quốc tế - kết nối, nâng tầm cà-phê Việt năm nay tập trung thảo luận về các nội dung chuyên sâu về ngành hàng cà-phê như: Tình hình xuất khẩu cà-phê niên vụ 2023-2024; thị trường và xu hướng tiêu dùng cà-phê thế giới; nhận định xu thế thị trường và rào cản tiêu dùng cà-phê thế giới hiện nay; định hướng thị trường cho ngành hàng cà-phê Việt Nam; vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng tầm cà-phê Việt và xây dựng thương hiệu Cà-phê Buôn Ma Thuột - điểm đến cà-phê của thế giới.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng tập trung thảo luận về kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ thích ứng với quy định của Liên minh châu Âu về các sản phẩm không gây phá rừng (EUDR) đối với ngành hàng cà-phê nhằm giúp các vùng trồng cà-phê Việt Nam nhanh chóng áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ nông dân tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đẩy mạnh phát triển vùng trồng đạt chuẩn quy định EUDR tại Đắk Lắk…

Hội nghị là diễn đàn quan trọng để kết nối các bên liên quan, từ nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia, đến nông dân, giúp ngành cà-phê Việt tìm ra hướng đi bền vững trong tương lai.
Ðắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ” cà-phê của Việt Nam, với diện tích khoảng 210.000ha và sản lượng hằng năm hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng cà-phê toàn quốc. Cà-phê là cây trồng chủ lực đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, mang lại nguồn sinh kế cho người dân.
Ðược sự hỗ trợ của các bộ, ngành và sự nỗ lực của tỉnh, nhất là sự năng động của các doanh nghiệp, đến nay, sản phẩm cà-phê của tỉnh Ðắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, chủ yếu là các thị trường truyền thống như: Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Italia, Mỹ, Nga… Bên cạnh đó, một số thị trường mới có nhiều tiềm năng ở các khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi cũng đang được các doanh nghiệp cà-phê trong nước hướng tới, nhằm chinh phục thị trường vốn là “cái nôi” của cà-phê thế giới.