Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì hội nghị. Tại Đắk Nông, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điểu K’Ré; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến tham dự.
Lãnh đạo tỉnh, NHCSXH tham dự tại đầu cầu Đắk Nông |
Sau 20 năm thực hiện Nghị định 78, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước có sự tăng trưởng vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm. Đến 30/11/2022, dư nợ tín dụng chính sách trên 279.700 tỷ đồng, tăng 32 lần so với năm 2002. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 21,1%.
Cả nước hiện có 6,5 triệu hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách còn dư nợ. Trong đó, riêng dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu hộ còn dư nợ.
NHCSXH Trung ương phối hợp, uỷ thác với các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện công tác tuyên truyền, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Đến nay, nguồn vốn NHCSXH uỷ thác qua 4 tổ chức chính trị, xã hội chiếm 99,1% tổng dư nợ.
Hệ thống điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước được thiết lập. Đến nay, toàn quốc có 10.435 điểm giao dịch xã hoạt động hiệu quả. NHCSXH phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị, xã hội xây dựng trên 168.600 tổ TK&VV đến từng ấp, thôn, bản, tổ dân phố. Thông qua hệ thống này, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã đến kịp thời, đúng đối tượng.
Sau 20 năm thực hiện, Nghị định 78 đã mang lại nhiều kết quả tích cực |
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách được bổ sung nhưng còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người dân. Cơ cấu vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền vững. Nguồn vốn ngắn hạn hiện nay vẫn chiếm đa số, với trên 58% dư nợ.
Nguồn vốn huy động thiếu tính ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng Nhà nước. Nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn hạn chế.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái biểu dương sự nỗ lực của các cấp, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, hệ thống NHCSXH từ Trung ương đến địa phương trong quá trình thực hiện Nghị định 78. Thời gian tới, tình hình kinh tế dự báo gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nhiệm vụ đặt ra trong chính sách giảm nghèo vì thế nặng nề hơn.
NHCSXH cần tập trung, chỉ đạo hệ thống các cấp tiếp tục phối hợp với các, ngành, địa phương thực hiện tốt hơn Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với tín dụng tín sách xã hội.
Việc nghiên cứu, đề xuất nâng cao mức vay, thời hạn cho vay, tạo điều kiện để người dân phục vụ phát triển sản xuất cần được NHCSXH chủ động thực hiện. Về phương thức quản lý vốn vay đặc thù của NHCSXH cần được phát huy tốt hơn nữa.
NHCSXH các cấp đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Trong đó, các đối tượng cần được ưu tiên nguồn vốn như: hộ nghèo, hộ dân tộc miền núi, biên giới, hải đảo. Quá trình kiểm tra, giám sát, quản lý nguồn vốn cần được tăng cường, tạo điều kiện người dân phát huy hiệu quả vốn vay, tránh tình trạng tái nghèo.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp phối hợp với NHCSXH thường xuyên tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước đến kịp thời với người dân.
Cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt các chướng trình tín dụng chính sách xã hội. Hàng năm, các đơn vị bố trí nguồn vốn cần thiết để bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện cho vay.
Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động. Cả nước có 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; hơn 16,8 triệu công trình nước nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng. Toàn quốc có 729.000 căn nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; gần 2.000 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid -19 được vay vốn… |