
Đắk Nông hiện có tổng số 310 công trình thủy lợi do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý, trong đó, có 256 hồ chứa, 33 đập dâng, 8 hệ thống kênh tiêu, 11 hệ thống trạm bơm và 2 công trình thủy lợi khác.
Tổng dung tích thiết kế của 256 công trình hồ chứa khoảng 182 triệu m3, tổng diện tích mặt thoáng tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh khoảng 3.700ha. Hiện nay, tổng dung tích nước tại các hồ, đập giảm còn khoảng 87 triệu/m3, ước đạt khoảng 49% dung tích thiết kế.
Cụ thể, huyện Cư Jút 20,66%, huyện Krông Nô 49,12%, huyện Đắk Mil 30,67%, huyện Đắk Song 55,28%, thành phố Gia Nghĩa 76,91%, huyện Đắk Glong 56,82%, huyện Đắk R’lấp 51,90% và huyện Tuy Đức 44,86%.
Để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như điều tiết, bổ sung nguồn nước; lắp đặt máy bơm dã chiến; tận dụng nguồn nước còn lại trong các hồ chứa đã cạn kiệt để phục vụ sản xuất, tuy nhiên vẫn không thể chống chọi được khô hạn.
Theo dự báo, nếu thời tiết không thuận lợi thì đến cuối tháng 4 năm nay trên địa bàn tỉnh sẽ có 20 công trình thủy lợi bị cạn kiệt, hết nước. Trong đó, số công trình có biện pháp chống hạn là 13 công trình, số công trình còn lại không có biện pháp chống hạn.
Hiện tại, mực nước và lưu lượng trên các sông suối trên địa bàn tỉnh tiếp tục dao động theo xu thế giảm, đặc biệt tại khu vực phía bắc tỉnh nguồn nước tại nhiều suối nhỏ trên địa bàn đã bị cạn kiệt nhiều tháng nay.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông, hiện các công trình thủy lợi mới chỉ đáp ứng khoảng 27% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh, phần còn lại phụ thuộc vào nguồn nước khác. Một số địa phương như Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô hằng năm đều chịu ảnh hưởng bởi tình trạng khô hạn.
Để khắc phục tình trạng hạn hán trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị Trung ương đầu tư nâng cấp, sửa chữa 37 công trình phục vụ tưới cho khoảng 8.200ha cây trồng, xây mới 57 công trình phục vụ tưới cho 12.700ha cây trồng, với tổng kinh phí khoảng 2.137 tỷ đồng.