Hơn 3.000 người Lâm Đồng “sống lậu" trên đất Đắk Nông
Gần như cả cuộc đời, bà K’Jang (SN 1950, trú tỉnh Lâm Đồng) gắn bó với mảnh đất màu mỡ dưới chân núi Tà Đùng. Thế nhưng, vùng đất vốn gần gũi, thân thuộc ấy bỗng trở nên “xa lạ” đối với bà lão 74 tuổi sau khi có thông tin, phần lớn khu vực này thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông.
Gần như cả cuộc đời, bà K’Jang (SN 1950, trú tỉnh Lâm Đồng) gắn bó với mảnh đất màu mỡ dưới chân núi Tà Đùng. Thế nhưng, vùng đất vốn gần gũi, thân thuộc ấy bỗng trở nên “xa lạ” đối với bà lão 74 tuổi sau khi có thông tin, phần lớn khu vực này thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông.
Trong cái lạnh đầu mùa khô, bà K’Jang cùng con, cháu quây quần, sưởi ấm bên bếp lửa. Lần giở ký ức của mình, bà lão chỉ mang máng rằng, đây là nơi mà gia đình bà đã chọn gắn bó sau khi chuyển đi từ xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).
Bà K’Jang kể, xã Đạ K’nàng trước đây là một vùng đất bằng phẳng. Cách chân núi Tà Đùng vài trăm mét, có một con suối chảy quanh. Đất đai màu mỡ, người dân tập trung sống 2 bên suối để canh tác lúa nước và làm nương rẫy.
Sau này, khi dân cư đông đúc, người dân tiến sát đến chân núi Tà Đùng để làm nhà, trồng cây cà phê. Gần 40 năm qua, nơi đây không chỉ là vùng đất của riêng người K’Ho, mà còn rất nhiều đồng bào dân tộc khác cùng sinh sống.
"Sống lậu" dưới chân núi Tà Đùng
“Sống lậu”, có lẽ là một cụm từ mới xuất hiện trong suy nghĩ của người dân xã Đạ K’nàng.
Thực tế, nhiều năm qua, họ đã sinh sống, làm ăn, xây nhà, dựng chuồng trại công khai trên khu đất dưới chân núi Tà Đùng.
Thế nhưng, sau khi tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 1339 ngày 16/10/2023, bàn giao một phần đất của Vườn Quốc gia Tà Đùng về cho huyện Đắk Glong quản lý, những hộ dân đang sinh sống dưới chân núi Tà Đùng, chính thức được xác định không phải cư dân của tỉnh Đắk Nông.
Biết chuyện, bà K’Jang động viên con cháu cố gắng chăm nom vườn cà phê của gia đình. Song lòng bà lão vẫn thấp thỏm không yên.
Trong giây phút nào đó, bà từng nghĩ đến tình huống xấu nhất, tỉnh Đắk Nông sẽ thu hồi toàn bộ diện tích này. Những hộ gia đình như bà K’Jang phải bỏ lại tài sản mà cả đời gây dựng.
“Tôi cũng lo lắm. Trước đây khai hoang để làm rẫy. Sau này con cái ra ở riêng, tôi cắt cho mỗi đứa một mảnh đất để làm ăn. Nói là cho chứ không có giấy tờ gì, vì từ bao đời nay, người K’Ho vẫn cho con cái bằng cách ấy”, bà K’Jang thở dài, nói giọng buồn bã.
Tiếng thở dài được truyền từ bà K’Jang sang người con dâu K’Xuyên đang ngồi phía đối diện.
Từ năm 2006 tới nay, khi được bố mẹ chồng cho đất, vợ chồng chị K’Xuyên bám lấy mảnh đất này làm kế sinh nhai.
Đất không làm sổ đỏ (cách người dân gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) vì không tranh chấp với ai, gia đình chị Xuyên cũng không có nhu cầu đi vay vốn ngân hàng.
Thế nên, khi biết đất của mình thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông, chị Xuyên bất ngờ, lo lắng vô cùng.
“Tôi chạy đôn chạy đáo hỏi thôn, hỏi xã về đất của mình thì biết, không chỉ gia đình tôi mà hàng trăm gia đình khác đều chung tình cảnh…”, chị K’Xuyên kể.
Ở phía đối diện nhà bà K’Jang, toàn bộ căn nhà và hơn 1 hecta đất sản xuất của gia đình anh Trần Hữu Hiếu (thường trú thôn Păng Dung) nằm trọn trên đất của tỉnh Đắk Nông.
Sau hơn 1 thập kỷ sinh sống, làm ăn trên mảnh đất này, đây có lẽ là quãng thời gian “đau đầu” nhất đối với người đàn ông quê Thanh Hóa.
Anh Hiếu chỉ tay về phía tuyến đường nhựa được làm mới gần 2 năm trước, nói với giọng đầy suy tư: “Tôi từ Bắc vào đây mua đất của người dân địa phương để làm ăn, xây dựng nhà cửa. Ngày trước con đường nhựa này chỉ là đường đất, dẫn từ trung tâm xã vào tới tận chân núi. Sau này tôi mới biết, chính con đường nhựa là ranh giới giữa 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng”.
Chờ ngày "định đoạt"
Dù là có hộ khẩu thường trú tại xã Đạ K’nàng, nhưng toàn bộ nhà cửa, đất rẫy của gia đình anh Hiếu đều nằm trên phần đất của tỉnh Đắk Nông.
Mới đây khi có đoàn cán bộ của tỉnh Đắk Nông sang đo đạc, lấy thông tin, anh Hiếu vừa mừng, vừa lo. Người đàn ông này tự nhủ, chắc chỉ nay mai, anh sẽ biết mình là dân cư của địa phương nào ?
“Hồi hộp từng ngày. Bây giờ chỉ mong chính quyền 2 tỉnh sớm “định đoạt” để chúng tôi yên tâm làm ăn”, anh Hiếu bộc bạch.
Theo thống kê sơ bộ, trong khu vực rộng khoảng 1.300 ha thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Tà Đùng, hiện có gần 400 hộ dân cư trú, canh tác.
Đa phần những hộ dân này đều thường trú tại xã Đạ K’nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng nhưng có đất đai, nhà cửa, tài sản trên đất tỉnh Đắk Nông.
Nằm cách tuyến đường nhựa (ranh giới giữa 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng) khoảng 500m về phía chân núi Tà Đùng là căn nhà của gia đình anh Triệu Tấn Phong.
Căn nhà 6 mái này và 30 hộ dân khác (đều là anh em, họ hàng với anh Phong), hợp thành một làng Dao, thuộc thôn Păng Báh, xã Đạ K’nàng.
Gần 30 năm lập nghiệp trên vùng đất Tây Nguyên, chưa lúc nào anh Phong mong ngóng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như hiện nay.
Theo lời anh Phong, gần đây nhiều người có nguyện vọng thế chấp đất để vay vốn ngân hàng làm ăn. Thế nhưng khi đi làm thủ tục, do đất đai chưa được “phân định rõ ràng” nên không thể vay vốn được.
“Bây giờ đất của mình mà không ai yên tâm làm ăn. Chúng tôi bảo nhau hôm nào sang Đắk Nông để hỏi rõ có được cấp sổ đỏ không ?”, anh Phong nói.
“Bảo nhau” là vậy nhưng quãng đường từ nơi anh Phong sinh sống sang trung tâm xã Đắk Som dài cả trăm cây số, mất gần nửa ngày đi đường, nên dự định này vẫn chưa thực hiện.
Anh Phong và nhiều hộ dân khác vẫn tiếp tục sống trong tâm lý lo âu, thấp thỏm.
Thực tế có “1 không 2” đang diễn ra tại xã Đạ K’nàng không chỉ mang đến những “phiền toái” cho các hộ dân đang sinh sống tại đây mà còn gây khó khăn trong công tác quản lý hành chính, bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực.
Ông K’Bát, trưởng thôn Păng Dung, xã Đạ K’nàng cho biết, cả thôn có khoảng 100 hộ dân làm nhà cửa, đất đai hoặc có tài sản nằm trên đất của tỉnh Đắk Nông. Trong số này, có đến 90% là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
“Thôn Păng Dung nằm trên địa phận của 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhân khẩu và an ninh trật tự. Khi có chuyện bên phần đất Đắk Nông, chúng tôi chỉ thông báo với chính quyền xã Đạ K’nàng, sau đó chờ chính quyền xã Đắk Som đến xử lý. Đây là thực tế đang diễn ra tại khu vực chúng tôi sinh sống, nên chúng tôi mong chính quyền 2 bên sớm phân định rõ ràng”, ông K’Bát nói.
Cần giải pháp bảo đảm quyền lợi của người dân
Theo báo cáo của UBND xã Đạ K’nàng, có gần 400 hộ dân đang sinh sống, sản xuất trên địa giới hành chính thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực chân núi Tà Đùng chủ yếu là người Dao (sinh sống từ năm khoảng năm 1995) và người K’Ho (sinh sống từ trước năm 1990).
Hình thành và phát triển, canh tác ổn định lâu dài từ trước khi Vườn Quốc gia Tà Đùng được thành lập, đến nay người dân đã hình thành các thôn, làng, cụm dân cư tại khu vực này.
UBND xã Đạ K’nàng cho biết, công tác quản lý nhân hộ khẩu gặp nhiều khó khăn như xác nhận nhà đất ở hợp pháp; khi xảy các vụ việc vi phạm pháp luật rất khó xử lý kịp thời vì phải chuyển về chính quyền xã Đắk Som thu lý, giải quyết. Cá biệt, có trường hợp vợ chồng ly hôn, tòa ở tỉnh Lâm Đồng còn phân chia tài sản là tòa ở tỉnh Đắk Nông giải quyết...
Ông Lê Đình Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ K’nàng cho biết: “Nhiều năm qua, người dân xây dựng nhà cửa kiên cố, ổn định nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tình trạng này đã hạn chế quyền sử dụng đất của người dân, ảnh hưởng tới việc đầu tư, phát triển kinh tế của Nhân dân”.
Thông tin thêm về việc gần 400 hộ dân xã Đạ K’nàng đang sinh sống trên phần đất của xã Đắk Som, ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, tình trạng này đã tồn tại nhiều năm.
Trong thời gian qua, chính quyền địa phương 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông đã có nhiều lần làm việc để bàn phương án giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho người dân cũng như công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, địa giới hành chính.
“Trước mắt, chúng tôi kiến nghị 2 địa phương phối hợp, tăng cường công tác quản lý, bảo đảm người dân yên tâm sinh sống, làm ăn. Trong đó, huyện Đắk Glong giao công an và kiểm lâm phối với lực lượng đồng cấp của huyện Đam Rông quản lý về con người, đất đai trong khi chờ cấp có thẩm quyền có chỉ đạo cụ thể”, ông Trần Nam Thuần cho hay.
Câu chuyện về hàng nghìn người dân tỉnh Lâm Đồng sống nhờ trên đất Đắk Nông được bàn luận nhiều tại Kỳ họp thứ 9,HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV (diễn ra từ ngày 9 đến 11/12/2024).
Theo đó, ngoài người dân xã Đạ K'nàng, khu vực dưới chân núi Tà Đùng (thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông) còn có gần 200 hộ dân xã Phi Liêng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Tổng số nhân khẩu tỉnh Lâm Đồng đang sinh sống trên đất Đắk Nông khu vực trên là khoảng 3.000 người.
Trước tình trạng này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lưu Văn Trung cho rằng, giải pháp trước mắt là 2 địa phương phối hợp để bảo đảm quyền lợi của người dân, nhất là chế độ an sinh, xã hội.
Đối với kiến nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông đây là nguyện vọng chính đáng vì người dân đã sinh sống hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn diện tích đất mà người dân xã Đạ K'nàng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) sinh sống đang được UBND huyện Đắk Glong (Đắk Nông) quản lý, nên về lâu dài sẽ tính toán đến phương án điều chỉnh địa giới hành chính. Về vấn đề này thì vượt thẩm quyền của tỉnh.
Bài, ảnh: Dương Phong