Kinh tế

Hơn 3.000 con vịt biển được nuôi ở Đắk Nông

Văn Tâm 18/12/2023 05:30

Đắk Nông đang triển khai mô hình nuôi vịt biển thương phẩm an toàn sinh học và bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện chăn nuôi địa phương.

vit-bien3-1-.jpg
Kết quả mô hình nuôi vịt biển được nông dân Cư Jút (Đắk Nông) đánh giá cao

Mô hình nuôi vịt biển đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông triển khai ở Cư Jút. Vịt biển là vật nuôi mới, lần đầu tiên được nuôi thử nghiệm tại Đắk Nông. Giống vịt này có khả năng nuôi lấy thịt, lấy trứng, với năng suất cao. Sau 70 ngày triển khai, mô hình đã cho kết quả tích cực.

Gia đình ông Ma Hữu Phước, thôn 8, xã Cư K’nia (Cư Jút), được hỗ trợ 100 con vịt biển giống và đầy đủ thức ăn, các loại vắc xin và hóa chất sát trùng cho vịt để chăn nuôi. Trước khi nhận vịt, ông Phước được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức.

Qua lớp tập huấn, ông đã vận dụng những kiến thức mới vào chăn nuôi vịt. Trong đó, ông luôn tuân thủ các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn, sinh học.

Ông Phước cho biết: “Tôi luôn cảnh giác với biến đổi của thời tiết, dấu hiệu nhiễm bệnh để có biện pháp phòng ngừa kịp thời cho đàn vịt. Sau 70 ngày nuôi, tỷ lệ sống của vịt biển đạt trung bình 95%, trọng lượng khoảng 3kg/con”.

Theo bà Hoàng Thị Nga, thôn 4, xã Cư K’nia, bà và 29 hộ tham gia mô hình đều có chuồng trại, có máng ăn, máng uống cho vịt bảo đảm kỹ thuật, hợp vệ sinh. Các hộ đều chủ động làm đúng theo quy trình kỹ thuật chăn nuôi vịt biển.

vit-bien-1-.jpg
Sau 70 ngày nuôi, trọng lượng vịt biển của bà Hoàng Thị Nga, thôn 4, xã Cư K’nia (Cư Jút) đạt 3kg/con

“Trong quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát, hướng dẫn thực hiện các quy trình kỹ thuật, tiêm các loại vắc xin để phòng bệnh cho vịt”, bà Nga cho biết thêm.

Sau 70 ngày nuôi, trọng lượng vịt của bà Nga đạt trung bình 3kg/con và đủ tiêu chuẩn để xuất chuồng. Với giá bán 52.000 đồng/kg, bà Nga thu về gần 15 triệu đồng từ đàn vịt.

Theo các hộ tham gia mô hình, vịt biển dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu địa phương. Người dân có thể tận dụng nguồn cám, bắp, đậu, mì... để làm thức ăn cho vịt, giúp giảm chi phí.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đang triển khai mô hình nuôi vịt biển ở huyện Cư Jút. Mô hình có tổng đàn 3.000 con, với 30 hộ dân tham gia. Tham gia mô hình, Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí, người dân bỏ ra 30%.

Bà Nguyễn Thị Khánh, cán bộ quản lý mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, quá trình nuôi ban đầu, một số hộ có vịt bị bệnh như liệt chân, quẹo cổ, thải phân trắng… Chúng tôi đã hướng dẫn người dân khống chế bệnh dịch kịp thời nên tỷ lệ vịt sống vẫn bảo đảm, không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của mô hình.

vit-bien4-1-.jpg
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân chọn giống để nhân đàn

Theo ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình nuôi vịt biển thương phẩm an toàn sinh học đã chuyển giao giống vịt mới có sức đề kháng cao, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu tại địa phương, có giá trị kinh tế. Mô hình giúp cho người dân dần thay đổi tập quán chăn nuôi theo theo hướng an toàn, tăng hiệu quả, tạo ra sản phẩm tốt.

Nông dân còn áp dụng hiệu quả biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học vào sản xuất, biết cách sử dụng vắc xin để phòng bệnh, vận dụng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nuôi…

Vịt biển hay còn gọi là vịt Đại Xuyên. Đây là giống vịt được lai tạo của Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên thuộc Viện Chăn nuôi Việt Nam. Loài vịt này có thể sinh tồn trên biển, trên vùng nước lợ. Vịt biển không chỉ nuôi lấy thịt mà còn có thể lấy trứng, với sản lượng 240 quả mỗi năm. Vịt biển được xem là giống vật nuôi có ưu thế hiện nay.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Hơn 3.000 con vịt biển được nuôi ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO