Hiện tổng diện tích rừng giao khoán quản lý, bảo vệ trong toàn tỉnh hơn 445,5 nghìn héc-ta, với hơn 15,7 hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ; trong đó, có 11.690 hộ dân tộc thiểu số và 36 tổ chức nhận khoán. Năm 2024, toàn tỉnh tổ chức trồng 342 ha rừng tập trung, đạt 88,8% kế hoạch; trồng hơn 13,3 triệu cây xanh các loại (rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất đạt 4,42 triệu cây; còn lại là cây xanh phân tán), đạt 97,6% kế hoạch. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh trồng hơn 38,5 triệu cây xanh các loại, đạt 77% kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025; góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,37%.
Đắk Lắk cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Công văn số 11897/UBND-KSTTHC về việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao đề xuất cắt giảm các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành và kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, không được đùn đẩy, kéo dài làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương; công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện.
100% hồ sơ thủ tục hành chính của ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và phải liên thông, đồng bộ với cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện…
Hơn 2.624 tỷ đồng đầu tư công năm 2025 ở Gia Lai là từ nguồn ngân sách địa phương
Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Nghị quyết về việc quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn ngân sách địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia và thông qua phương án phân bổ vốn năm 2025 nguồn ngân sách Trung ương.
Cụ thể, kế hoạch đầu tư công năm 2025 được Hội đồng nhân dân quyết định thông qua từ nguồn ngân sách địa phương hơn 2.624 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối theo tiêu chí hơn 953 tỷ đồng; nguồn thu tiền sử dụng đất hơn 1.201,5 tỷ đồng; nguồn xổ số kiến thiết là 190 tỷ đồng; nguồn kết dư ngân sách tỉnh gần 175,3 tỷ đồng; bội chi ngân sách tỉnh là 104,2 tỷ đồng. Ngoài ra Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai thống nhất phương án phân bổ vốn năm 2025 nguồn ngân sách Trung ương gần 1.938 tỷ đồng, gồm: 1.856,2 tỷ đồng vốn trong nước; 81,7 tỷ đồng vốn nước ngoài.
Sáng tạo ẩm thực du lịch với chủ đề “Tinh túy miền sơn cước”
Nhằm quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa ẩm thực của các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thi sáng tạo ẩm thực du lịch với chủ đề “Tinh túy miền sơn cước” thu hút 31 đội với hơn 130 thí sinh tham gia. Qua đó đẩy mạnh kích cầu du lịch, thu hút du khách đến Kon Tum; khơi dậy niềm tự hào dân tộc đối với sự phong phú của ẩm thực Việt Nam, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Các đội thi phải hoàn thành tối thiểu 5 món trong thời gian 180 phút. Tất cả các món dự thi sử dụng nguyên liệu chính là những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có vùng nguyên liệu tại tỉnh Kon Tum. Hội thi giúp cho các nghệ nhân, đầu bếp chuyên và không chuyên trong và ngoài tỉnh Kon Tum tìm kiếm sự đổi mới, sáng tạo trong cách chế biến, tạo sân chơi giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong ẩm thực, góp phần tạo ra sản phẩm du lịch mới, độc đáo gắn với văn hóa ẩm thực, đưa Kon Tum trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Đắk Nông công nhận 3 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa ban hành các quyết định công nhận 3 vùng sản xuất nông sản tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Đắk Mil; Đắk Song và Krông Nô. Các vùng sản xuất được công nhận gồm: vùng sản xuất xoài xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil; vùng sản xuất cà-phê xã Nâm Nung, huyện Krông Nô; vùng sản xuất cà-phê xã Nam Bình, huyện Đăk Song. Tổng diện tích của 3 vùng gần 1.150 ha, với 6 hợp tác xã, tổ hợp tác và hơn 650 hộ dân tham gia.
Tỉnh Đắk Nông giao các huyện liên quan duy trì, phát triển và khai thác hiệu quả vùng sản xuất theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Hằng năm báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đồng thời, các bên liên quan có các giải pháp hỗ trợ, đầu tư kịp thời để đẩy mạnh sản xuất nông sản theo hướng tập trung, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận nông nghiệp sạch nhằm gia tăng lợi nhuận và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.