Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Đắk Nông |
Tại hội thảo, các đại biểu trong nước, đại diện tổ chức quốc tế như: Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Công ty SamSung Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới… đã trình bày các tham luận về ảnh hưởng của đại dịch đến Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ, tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực kinh tế, xã hội của toàn quốc, nhiều chuỗi cung ứng, dịch vụ bị gián đoạn, đứt gãy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân gặp nhiều khó khăn.
Điều này đang đòi hỏi Việt Nam phải có những thích ứng mới nhằm phục hồi, giảm thiểu tổn thất, thiết lập những bước đi mới trong ngắn hạn cũng như những năm tiếp theo. Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp để thích ứng với những cấu trúc, phương thức mới để bảo đảm phát triển trong tình thế an toàn mới.
Chính phủ và các địa phương đưa ra giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn mở cửa và khôi phục lại nền kinh tế trên cơ sở tập trung mọi nguồn lực, nắm bắt các thời cơ mới, kéo người lao động trở lại nhà máy, đưa hàng hóa, nông sản đến tay người tiêu dùng trong nước, quốc tế.
Nhiều đại biểu nêu các giải pháp về chính sách tài khóa, tín dụng linh hoạt, giảm lãi suất cho vay, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Nội dung về tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các đối tượng bị tổn thương, ảnh hưởng nặng bởi đại dịch được quan tâm nhấn mạnh. Nhiều người đề nghị Chính phủ, các địa phương đồng bộ các biện pháp nới lỏng hoạt động kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhưng không gây áp lực ngành Y tế, tiếp tục áp dụng 5 K, vắc xin và các biện pháp phòng ngừa khác, tăng cường năng lực y tế cơ sở, chăm sóc y tế toàn dân.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cả nước cần tập trung các giải pháp để phục hồi kinh tế trước những tổn thương do đại dịch covid-19 gây ra.
Để làm được điều này, Chính phủ cùng các địa phương tập trung nâng cao năng lực y tế, nhất là y tế cơ sở để kiểm soát rủi ro, hạn chế tử vong do dịch Covid-19 gây ra. Các bộ, ngành, địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao năng lực cán bộ; phục hồi kinh tế theo hướng vỹ mô, điều khiển chính sách tiền tệ phù hợp để khôi phục doanh nghiệp, nối lại thị trường lao động.
Viêt Nam đã và sẽ tập trung lo an sinh xã hội, đảm bảo cả vật chất và tinh thần cho người dân, đảm bảo ổn định chính trị, an ninh, an toàn xã hội, biến những thách thức này thành cơ hội để phấn đấu vươn lên.