Quang cảnh hội thảo Chiến thắng Thượng Lào 1953. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
Thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào 1953, ngày 13/4, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: "Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm."
Phát biểu khai mạc,Tiến sỹ Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo, khẳng định chiến thắng Thượng Lào 1953 mãi là mốc son trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị thủy chung và liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào; thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Chỉ huy chiến dịch.
Chiến dịch Thượng Lào 1953 để lại nhiều kinh nghiệm quý về xác định hướng tiến công chiến lược, nghệ thuật quân sự, đặc biệt là vận động truy kích địch rút chạy, kinh nghiệm phối hợp giữa quân và dân hai nước Việt Nam-Lào trong điều kiện Quân đội nhân dân Việt Nam tác chiến trên đất bạn, chiến trường xa hậu phương, công tác bảo đảm hậu cần tiếp tế khó khăn, ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo Nguyễn Hữu Đông nhấn mạnh chiến dịch Thượng Lào đã lùi xa, nhưng giá trị lịch sử về mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa hai dân tộc Việt-Lào vẫn tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước giữ gìn, dày công vun đắp và phát triển toàn diện đến hôm nay.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo Nguyễn Hữu Đông phát biểu. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
Phát huy các giá trị tốt đẹp đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La luôn coi trọng, giành ưu tiên cao trong việc phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với các tỉnh của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, coi đây là tài sản vô giá của hai dân tộc, như lời Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng nói: "Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào-Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông."
Ban Tổ chức đã nhận được gần 80 báo cáo, tham luận của các lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tỉnh Sơn La, Quân khu, Binh chủng, Học viện, Viện Nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sĩ quan, nhà khoa học trong, ngoài quân đội.
Các đại biểu đã tập trung tham luận vào nhiều nội dung như tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và sự chủ động phối hợp với Chính phủ Kháng chiến Lào mở Chiến dịch Thượng Lào 1953; sự chủ động, mưu trí, sáng tạo, tinh thần chiến đấu anh dũng, sẵn sàng vượt qua khó khăn, gian khổ của các đơn vị tham gia chiến dịch; những nét đặc sắc, độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo và điều hành chiến tranh của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh; vai trò, đóng góp của lực lượng vũ trang và nhân dân trong Chiến dịch Thượng Lào; sự phát triển bền chặt, tất yếu của quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào.
Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn.
Các tham luận tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra từ Chiến thắng Thượng Lào 1953. Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào; nâng cao niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận các thành tựu cách mạng; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào của các thế lực thù địch; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.
Hội thảo lần này cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến các đồng chí, đồng bào đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ nền độc lập, tự do dân tộc của hai nước Việt Nam-Lào./.