Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trong hai ngày 26/6 và 28/6, tại Viện Nghiên cứu Phương Đông và Viện Trung Quốc và châu Á đương đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga (RAN) lần lượt diễn ra các phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội thảo khoa học và thực tiễn quốc tế “Sông Mekong: Các vấn đề trong khu vực và các giải pháp khả thi.”
Đông đảo học giả của Liên bang Nga, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam tham dự hội thảo.
Sự kiện do Quỹ Ngoại giao Nhân dân Alexander Gorchakov của Bộ Ngoại giao Liên bang Nga phối hợp với Trung tâm Thông tin khoa học và phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông, cùng Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại phối hợp tổ chức.
Nhiệm vụ và mục tiêu của hội thảo là trên cơ sở báo cáo của các chuyên gia, xác định hiện trạng và triển vọng nghiên cứu các vấn đề phát triển Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng (GMS), quan điểm của từng nước trong khu vực, qua đó thảo luận cách thức và hướng giải quyết các vấn đề.
Các đại biểu tham gia cũng trao đổi quan điểm về vấn đề phát triển sông Mekong, xây dựng và đưa ra các đề xuất chung, các giải pháp khả thi.
Trong ngày hội thảo đầu tiên 26/6 diễn ra tại Viện Nghiên cứu Phương Đông, các đại biểu đã nghe các báo cáo và đề xuất theo 3 phiên chuyên đề: Quy mô toàn cầu của chương trình nghị sự sông Mekong; Phát triển tiểu vùng sông Mekong: Các chủ đề, thách thức, và cơ hội; Nước là nguồn thịnh vượng.
Các báo cáo đã phân tích hiện trạng sử dụng nguồn nước sông Mekong, thảo luận cởi mở về các vấn đề đặt ra đối với các quốc gia dọc sông Mekong, cũng như ảnh hưởng của các nước lớn và tác động trong khu vực.
Nhìn chung, các báo cáo đều nhấn mạnh việc hợp tác để tìm ra các phương thức khai thác và sử dụng chung nguồn nước sông Mekong theo cách đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên.
Nhiều học giả cho rằng Liên bang Nga có quan hệ tốt với các nước tiểu vùng sông Mekong, đồng thời có nền khoa học tiên tiến và kinh nghiệm quản lý nhiều dòng sông lớn ở nước này, do đó có thể hỗ trợ để các bên xem xét, tìm kiếm những phương thức hiệu quả sử dụng nguồn nước sông Mekong đảm bảo cân bằng lợi ích, cũng như hỗ trợ về mặt khoa học, kỹ thuật và quản lý, giúp bảo tồn môi trường sinh thái và khai thác dòng sông lâu dài.
Trong báo cáo của mình, học giả Dmitry Mosyakov - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương, Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đề xuất lập một văn kiện ràng buộc chung để có thể giải quyết các vấn đề tồn tại, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các nước ở thượng nguồn cũng như hạ lưu sông Mekong./.