Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, đại diện lãnh đạo lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904-22/11/2024).
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung khẳng định: Đắk Lắk là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Ngày 22/11/1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định tách Đắk Lắk trở thành một trong 20 tỉnh, thành phố thuộc Trung kỳ thời Pháp thuộc, đây là dấu mốc lịch sử quan trọng, bước ngoặt lớn ghi nhận vị thế và tầm vóc của tỉnh.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, địa danh Đắk Lắk đã gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng; Nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng với Nhân dân cả nước đã anh dũng, kiên cường chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nước nhà, lập nên nhiều chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử những trang vàng chói lọi.
“Với bề dày truyền thống hào hùng của lịch sử 120 năm và vị thế chính trị-xã hội hiện tại, đặc biệt với tầm nhìn xa hơn trong tiến trình phát triển của tỉnh theo đường lối đổi mới của Đảng, toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục vun đắp truyền thống cách mạng hào hùng và lòng yêu nước; trân trọng và gìn giữ những thành quả mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp; đoàn kết, chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc; góp phần tạo nền tảng vững chắc cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, theo đúng quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước”, đồng chí Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Hội thảo là dịp cùng nhìn lại những dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển; khẳng định thành tựu nổi bật, những giá trị truyền thống, những đóng góp đối với lịch sử dân tộc của quân và dân Đắk Lắk trong 120 năm qua; tri ân các thế hệ đi trước đã có công xây dựng và bảo vệ quê hương; đúc kết bài học kinh nghiệm có thể vận dụng vào thực tiễn hiện nay… Đồng thời, đây cũng là dịp quan trọng để chúng ta cùng hướng tới tầm nhìn mới, khát vọng mới, xây dựng Đắk Lắk phát triển xứng tầm vị thế trung tâm vùng Tây Nguyên với không gian “Sinh thái, bản sắc và kết nối sáng tạo”, cùng cả nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, đến nay Đắk Lắk có diện tích tự nhiên, dân số thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực Tây Nguyên; có điều kiện rất thuận lợi để hợp tác, kết nối không gian phát triển, tạo động lực thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương trong vùng Tây Nguyên, duyên hải miền trung và một số trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Đặc biệt, Đắk Lắk còn là nơi hội tụ nhiều nét đặc sắc về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng 49 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó có “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã góp phần làm nên một Đắk Lắk giàu truyền thống văn hoá, độc đáo, đậm đà bản sắc.
Trong quá trình hình thành và phát triển, nhất là sau 50 năm thống nhất đất nước, giải phóng Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã có những bước phát triển vượt bậc. Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng cao, giai đoạn 2011-2015 đạt 8%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 8,75%/năm; giai đoạn 2021-2023 đạt 7,07%/năm; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực Tây Nguyên.
Tỉnh đã thu hút được một số dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn của đất nước. Cơ cấu các ngành kinh tế có sự dịch chuyển tích cực; kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ; môi trường chính trị và xã hội được duy trì ổn định; các chính sách xã hội được quan tâm thực hiện hiệu quả; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.
Tại hội thảo lần này, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 45 tham luận với nhiều nội dung phong phú, đề cập đến nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực với nhiều khía cạnh trong hành trình 120 năm xây dựng và phát triển của tỉnh Đắk Lắk.
Tại hội thảo, với sáu tham luận và bảy ý kiến phát biểu, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận nhiều nội dung chuyên đề như: Vùng đất Tây Nguyên-Đắk Lắk trong tiến trình hợp nhất của dòng chảy lịch sử, văn hóa Việt Nam; Tỉnh Đắk Lắk - Từ vị thế địa lý đặc biệt quan trọng và truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đến khát vọng, tầm nhìn, phương hướng phát triển bền vững trong tương lai; Chiến thắng Buôn Ma Thuột trong tiến trình 120 năm lịch sử tỉnh Đắk Lắk; Công nghiệp chế biến nông sản chủ lực - Đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đắk Lắk; Gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa ở Đắk Lắk trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã phân tích, làm rõ thời cơ, thách thức và định hướng, tầm nhìn để xây dựng, phát triển Đắk Lắk trở thành “trung tâm của vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực….
Thông qua hội thảo này, tỉnh Đắk Lắk mong muốn các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành sẽ phân tích, thảo luận, nghiên cứu, làm rõ, cung cấp các luận cứ khoa học; đồng thời, đề xuất, khuyến nghị những định hướng, giải pháp, làm cơ sở để tỉnh hoạch định các chủ trương, chính sách, cơ chế nhằm tạo động lực thúc đẩy Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc.