Chính trị

Hội thảo khoa học "80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển"

Mỹ Hằng 27/02/2023 14:01

Sáng 27/2, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức Hội thảo cấp quốc gia “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

ADQuảng cáo

Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đoàn Minh Huấn - Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông.

Năm 1943 “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đã đi vào lịch sử như một bản Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa. Thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam 80 năm qua đã cho thấy ý nghĩa và giá trị mang tầm thời đại của văn kiện này.

Phát biểu dẫn đề Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Đề cương về văn hóa đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng: Sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan.

Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hóa mới dứt khoát phải do Đảng tiên phong lãnh đạo. Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.

Công cuộc cải tạo xã hội, loại bỏ những gì cũ kỹ lạc hậu, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn, chỉ hoàn thành khi hình thành được nền văn hóa mới: "Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa"…

hinh2(2).jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông.

Hội thảo tập trung vào hai nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa con người Việt Nam – Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Các tham luận tại hội thảo đã tập trung làm rõ những nội dung: Giá trị lý luận của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”; giá trị thực tiễn của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” trong phát triển văn hóa, xây dựng con người; “Đề cương về văn hóa Việt Nam” - động lực phát triển văn hóa, xây dựng con người theo hướng bền vững.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Các ý kiến tham luận, phát biểu tại Hội thảo đã thống nhất đánh giá vai trò và giá trị to lớn của Đề cương văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cần tiếp tục phát huy vai trò định hướng của Đề cương văn hóa Việt Nam để đưa đất nước gặt hái được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới và quá trình hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo khoa học "80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO