Chính trị

Hội Nhà báo Việt Nam – 75 năm đồng hành cùng nền báo chí cách mạng Việt Nam

Minh Duyên 21/04/2025 09:28

Ra đời ngày 21/4/1950 giữa chiến khu Việt Bắc, Hội Nhà báo Việt Nam đã trải qua 75 năm trưởng thành và phát triển, cũng là 75 năm luôn gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của đội ngũ người làm báo cách mạng, Hội Nhà báo không ngừng khẳng định vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa. Trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, Hội tiếp tục giữ vững vai trò định hướng, kết nối, dẫn dắt báo chí Việt Nam trên hành trình chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn.

Dấu ấn Hội Nhà báo Việt Nam trong kháng chiến và kiến quốc

Ngày 21/4/1950, giữa núi rừng chiến khu Việt Bắc, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Hội Những người viết báo Việt Nam chính thức được thành lập - một dấu mốc quan trọng của báo chí cách mạng nước nhà. Trong bối cảnh cả nước đang chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, sự ra đời của Hội không chỉ là yêu cầu tất yếu của cách mạng, mà còn là một cột mốc khẳng định vai trò của báo chí trong công cuộc giành độc lập dân tộc.

Ngay từ Đại hội lần thứ nhất năm 1950, Hội Những người viết báo Việt Nam đã xác định rõ phương hướng hoạt động: "Báo chí góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân và kháng chiến kiến quốc bằng nghề nghiệp của mình". Đây không chỉ là định hướng nghề nghiệp, mà còn thể hiện vai trò chiến lược của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.

a1.jpg
Ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, trong khu ATK Ðịnh Hóa (Thái Nguyên), Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) được thành lập. Trong ảnh: Các nhà báo Việt Nam và quốc tế dự Đại hội lần thứ I - Hội Những người làm báo Việt Nam, ngày 21/4/1950. Ảnh: TTXVN

Từ một tổ chức còn rất non trẻ với chưa đầy 300 hội viên, Hội đã nhanh chóng trở thành điểm tựa tinh thần của đội ngũ nhà báo trên cả nước. Trong kháng chiến chống Pháp, báo chí không đơn thuần chỉ đưa tin, mà còn là công cụ tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, cổ vũ tinh thần chiến đấu, tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa Nhân dân và cách mạng. Không ít nhà báo khi ấy là cán bộ tuyên huấn kiêm phóng viên, tự mình đi bộ xuyên rừng, viết tin tại mặt trận, in báo trong lán tre và phát hành tận chiến hào.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - cái nôi đầu tiên đào tạo những nhà báo cách mạng - được thành lập trong thời kỳ này cũng phản ánh sự bài bản của Đảng ta trong việc xây dựng một đội ngũ báo chí có bản lĩnh chính trị, có đạo đức nghề nghiệp và tinh thần chiến đấu cao. Nhiều học viên của trường sau này đã trở thành những cây bút lớn, những cán bộ báo chí chủ chốt trong cả kháng chiến và thời bình.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, báo chí tiếp tục giữ vai trò là một "mặt trận", trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh tư tưởng-chính trị chống lại chiến tranh tâm lý, luận điệu xuyên tạc của địch, đồng thời truyền tải những hình ảnh trung thực, cảm động nhất về cuộc sống, chiến đấu và hy sinh nơi tiền tuyến và hậu phương, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, thôi thúc ý chí quyết chiến, quyết thắng để kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ. Báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này đã làm nên nhiều tác phẩm xuất sắc, trở thành vũ khí sắc bén đấu tranh chính trị-tư tưởng cả trong và ngoài nước.

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng" (1); "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ" (2). Những lời dạy của Người đã trở thành phương châm hành động cho các thế hệ nhà báo. Những người làm báo đã không chỉ viết bài bằng trí tuệ và ngòi bút, mà còn bằng máu và sự hy sinh. Gần 400 nhà báo đã ngã xuống trên các mặt trận khốc liệt trong hai cuộc kháng chiến, tên tuổi của họ được khắc ghi trong lịch sử báo chí nước nhà như những chiến sĩ anh hùng không mang quân hàm.

Trong suốt hành trình đó, Hội Nhà báo Việt Nam luôn là điểm tựa vững chắc về chuyên môn và định hướng tư tưởng của giới báo chí cả nước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai tổ chức báo chí lớn ở hai miền là Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam đã hợp nhất vào ngày 7/7/1976, đánh dấu bước phát triển mới, thống nhất về tổ chức và lý tưởng hành động của giới báo chí cả nước.

Tại Đại hội lần thứ IV năm 1983, Hội Nhà báo Việt Nam đã đề ra phương hướng hoạt động: "Phấn đấu đưa nền báo chí của ta phát triển ngang tầm cao cách mạng và kịp bước đi của thời đại". Đây là định hướng quan trọng, phản ánh quyết tâm của Hội trong việc nâng cao vai trò và chất lượng của báo chí cách mạng trong giai đoạn mới. Đây cũng là dấu mốc chuyển hướng quan trọng, mở đầu cho những chuẩn bị lớn về tư tưởng, tổ chức và nghiệp vụ của Hội để bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện của đất nước từ năm 1986.

a2.jpg
Đồng chí Đào Tùng, Tổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam khóa 4 đọc báo cáo tại Đại hội V Hội nhà báo Việt Nam, tổ chức tại hội trường Ba Đình (Hà Nội) từ 16 đến 18/10/1989. Ảnh: Văn Hiền - TTXVN

Đồng hành cùng báo chí cách mạng trong sự nghiệp đổi mới

Bắt đầu từ năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện. Trong tiến trình ấy, báo chí trở thành một trong những lực lượng quan trọng nhất trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Vai trò định hướng, phản ánh, giám sát và phản biện xã hội của báo chí ngày càng được khẳng định, tạo nên nguồn động lực to lớn thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước.

Dưới sự đồng hành chặt chẽ của Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí cách mạng đã thực hiện hiệu quả sứ mệnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kịp thời phản ánh những thành tựu nổi bật của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội; lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước; cổ vũ sáng tạo khoa học-công nghệ; nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình; góp phần tạo đồng thuận xã hội và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Báo chí cũng là một trong những lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Những chuyên mục như "Góc nhìn thẳng", "Tiêu điểm", "Chống tham nhũng" hay các phóng sự điều tra đã trở thành "mặt trận" báo chí hiệu quả, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Đặc biệt, trong những thời điểm cam go như thiên tai, dịch bệnh, như trong đại dịch COVID-19, báo chí đã thể hiện rõ bản lĩnh xung kích, không quản hiểm nguy để truyền tải thông tin chính xác, kịp thời, góp phần định hướng dư luận, ổn định tinh thần xã hội và hỗ trợ đắc lực công tác phòng chống dịch.

a3.jpg
Trao các giải tại hạng mục "Giao diện điện tử Tết ấn tượng" cho đại diện các cơ quan báo chí tại Hội Báo toàn quốc năm 2024 (TP.Hồ Chí Minh, 17/3/2024). Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Tại Hội nghị toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam 2024, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định: Trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của đất nước và thế giới, báo chí vẫn luôn là lực lượng xung kích trên mọi mặt trận. Các thế hệ người làm báo luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt trọng trách của mình; đồng thời xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những thành tựu to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có sự đóng góp quan trọng, bền bỉ và hiệu quả của Hội Nhà báo Việt Nam. Các cấp Hội đã luôn sát cánh cùng các hội viên, các cơ quan báo chí; không ngừng phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ, đào tạo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hàng vạn hội viên trên cả nước.

Từ một tổ chức với vài trăm hội viên ban đầu, đến nay Hội đã có hơn 25.400 hội viên, sinh hoạt tại 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố, 21 liên chi hội, và 223 chi hội trực thuộc. Mạng lưới hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, sâu rộng, thể hiện vai trò nòng cốt trong việc xây dựng môi trường báo chí lành mạnh, nhân văn.

Trong các nhiệm kỳ gần đây, Hội đã ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội, đồng thời triển khai mạnh mẽ các đợt kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ tại các cấp hội; xử lý nhiều vi phạm, góp phần chấn chỉnh kỷ cương, nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp.

Không chỉ giáo dục, nâng cao phẩm chất chính trị-đạo đức-nghề nghiệp cho hội viên, Hội còn thực hiện sứ mệnh bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của người làm báo. Trong những năm qua, Trung ương Hội đã gửi hàng chục văn bản can thiệp đối với các vụ hành hung, cản trở phóng viên tác nghiệp, thể hiện rõ vai trò là tổ chức đại diện cho giới báo chí trước pháp luật và công luận.

Trong suốt 11 kỳ Đại hội, Hội Nhà báo Việt Nam luôn không ngừng đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, linh hoạt thích ứng với yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Những phần thưởng cao quý như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp to lớn, quan trọng mà Hội và giới báo chí cách mạng đã mang lại trong việc thực hiện sứ mệnh thông tin, tuyên truyền, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

a4.jpg
Sinh viên và các cựu nhà báo cách mạng tham gia buổi giao lưu, giới thiệu hồi ký “Một thời làm báo” tập XXI do Hội nhà báo Thành phố Chí Minh và Khoa Xã hội - Truyền thông, Trường Đại học Văn Hiến tổ chức (13/06/2024). Ảnh: Phi Vũ - TTXVN

Kiến tạo nền báo chí chuyên nghiệp-nhân văn-hiện đại

Bước vào thời kỳ phát triển mới với yêu cầu chuyển đổi số toàn diện, báo chí Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội lớn và thách thức không nhỏ. Trong bối cảnh ấy, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò đồng hành, dẫn dắt công cuộc đổi mới báo chí, từ đổi mới công nghệ đến đổi mới tư duy làm báo.

Trên tinh thần đó, Hội đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm: tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ phóng viên trong kỷ nguyên số; tăng cường ứng dụng công nghệ truyền thông mới; chú trọng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ làm báo "vừa hồng vừa chuyên". Bên cạnh đó, các hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ, nâng cao bản lĩnh chính trị cho hội viên cũng được đẩy mạnh, trở thành trụ cột trong chiến lược phát triển giai đoạn 2025-2030.

Hội Nhà báo Việt Nam cũng xác định tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập với báo chí khu vực và thế giới; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để nâng cao chất lượng, trình độ và bản lĩnh của nền báo chí nước nhà. Mục tiêu lâu dài là xây dựng một nền báo chí hiện đại, nhân văn, chuyên nghiệp, mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời tiệm cận các chuẩn mực báo chí quốc tế, vì sự phát triển bền vững của đất nước và vì hạnh phúc của nhân dân.

Năm 2025 là cột mốc lịch sử tròn 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2025). Đây không chỉ là dịp tổng kết chặng đường phát triển vẻ vang của nền báo chí cách mạng mà còn là cơ hội quan trọng để Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế và tầm ảnh hưởng của mình trong thời đại mới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam 2024, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Hội Nhà báo Việt Nam cần xây dựng kế hoạch cụ thể, bài bản để tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn đất nước, phản ánh chân thực đời sống xã hội, tạo ra những tác phẩm báo chí chất lượng cao, có tính chiến đấu, tính nhân văn và giá trị văn hóa sâu sắc. Đồng chí cũng khẳng định, trong bối cảnh nhiều luồng thông tin đa chiều, đôi khi lệch chuẩn, báo chí cách mạng cần giữ vững vai trò là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, kiên định mục tiêu lý tưởng, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Hội Nhà báo Việt Nam không chỉ là tổ chức đại diện cho giới báo chí mà còn là biểu tượng của tinh thần cách mạng, lòng trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân. Hội chính là "mái nhà chung" vững chắc, nơi hội tụ niềm tin, trách nhiệm và khát vọng sáng tạo của hàng vạn người làm báo cả nước. Hành trình phía trước còn nhiều thách thức, nhưng với bản lĩnh được tôi luyện qua nhiều thời kỳ cách mạng, với nền tảng tư tưởng vững chắc, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ cột tinh thần và tổ chức dẫn dắt nền báo chí Việt Nam đi lên: chuyên nghiệp hơn, nhân văn hơn và hiện đại hơn.

(1) (2): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 463, 466

Theo hoinhabao.vn
https://hoinhabao.vn/Hoi-Nha-bao-Viet-Nam--75-nam-dong-hanh-cung-nen-bao-chi-cach-mang-Viet-Nam_bv-77829
Copy Link
https://hoinhabao.vn/Hoi-Nha-bao-Viet-Nam--75-nam-dong-hanh-cung-nen-bao-chi-cach-mang-Viet-Nam_bv-77829

    Nổi bật

        Mới nhất
        Hội Nhà báo Việt Nam – 75 năm đồng hành cùng nền báo chí cách mạng Việt Nam
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO