Hội nghị thượng đỉnh G7 tai Hiroshima ra tuyên bố chung

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)| 20/05/2023 17:54

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh mong muốn “quan hệ ổn định và mang tính xây dựng” với Bắc Kinh, đồng thời phản đối “các hoạt động quân sự hóa” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hoi nghi thuong dinh G7 tai Hiroshima ra tuyen bo chung hinh anh 1Lãnh đạo các nước G7 chụp ảnh chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 20/5/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 20/5, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã ra tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima (Nhật Bản), trong đó để ngỏ cánh cửa hợp tác với Trung Quốc và tránh leo thang căng thẳng giữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với nhóm các cường quốc phương Tây và Nhật Bản.

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh mong muốn “quan hệ ổn định và mang tính xây dựng” với Bắc Kinh, đồng thời phản đối “các hoạt động quân sự hóa” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuyên bố của lãnh đạo G7 nêu rõ: “Cách tiếp cận chính sách của chúng tôi không nhằm gây hại cho Trung Quốc, cũng không tìm cách cản trở tiến bộ và phát triển kinh tế của Trung Quốc.”

Tuyên bố cũng khẳng định quyết tâm của các nước G7 trong việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các chuỗi cung ứng nhạy cảm, đồng thời nhấn mạnh “Sự vững vàng về kinh tế đòi hỏi hóa giải nguy cơ và đa dạng hóa,” đồng thời cam kết “giảm sự phụ thuộc thái quá vào các chuỗi cung ứng quan trọng.”

G7 cũng kêu gọi Trung Quốc nỗ lực tham gia giải quyết xung đột tại Ukraine.

Liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi phát triển và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đối với AI đáng tin cậy, trong bối cảnh giới lập pháp của các nước G7 tập trung vào công nghệ mới này. 

Các nhà lãnh đạo G7 cho rằng cách tiếp cận đối với việc đạt được tầm nhìn và mục tiêu chung về trí tuệ nhân tạo đáng tin cậy có thể khác nhau, song việc quản lý nền kinh tế kỹ thuật số cần tiếp tục được cập nhật phù hợp với các giá trị chung của nhóm.

Tuyên bố đặc biệt đề cập đến AI tạo sinh, với việc các nhà lãnh đạo G7 khẳng định "cần ngay lập tức đánh giá các cơ hội và thách thức từ AI tạo sinh." 

Về vấn đề khí đốt, tuyên bố chung cho biết các nhà lãnh đạo G7 tin rằng hoạt động đầu tư do nhà nước hỗ trợ trong lĩnh vực khí đốt có thể tạm thời phù hợp trong khi các quốc gia đang đẩy nhanh việc loại bỏ dần sự phụ thuộc vào Nga.

Tuyên bố chung nêu rõ:  "Chúng tôi nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tăng cường cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và thừa nhận rằng đầu tư vào lĩnh vực này có thể là phù hợp để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay cũng như giải quyết tình trạng thiếu hụt trên thị trường khí đốt do khủng hoảng gây ra."

Các nhà lãnh đạo G7 tái khẳng định cam kết lộ trình phi carbon hóa vào năm 2030 và cam kết mục tiêu đạt trung hòa khí thải trên lộ trình đến năm 2050.

Tuyên bố nhấn mạnh các hành động khác nhau mà các nước đang tiến hành, trong đó có các chính sách đạt 100% hoặc tăng doanh số bán các phương tiện không thải khí vào năm 2035 và sau đó.

Các chính sách bao gồm hành động nhằm đạt 100% xe chở khách bán mới vào năm 2035 là xe điện và thúc đẩy cơ sở hạ tầng và nhiên liệu tủng hòa carbon bền vững, bao gồm nhiên liệu sinh học và tổng hợp.

Tuyên bố chung nhấn mạnh: "Chúng tôi ghi nhận các cơ hội mà các chính sách này đem lại, góp phần vào lĩnh vực phi carbon hóa đường bộ, trong đó hướng đến mục tiêu vào năm 2030, 50% được bán ra trên toàn cầu là xe không thải khí."

Liên quan đến vấn đề an ninh lương thực, tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7 cho biết các nhà lãnh đạo kêu gọi tất cả các bên tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen "tiếp tục và thực hiện đầy đủ sự vận hành trơn tru của thỏa thuận ở mức tối đa có thể và tới chừng nào còn cần thiết."

Các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện để tiếp tục chuyển ngũ cốc tới những người cần nhất.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng xác nhận sẽ tăng cường hỗ trợ về năng lượng và phát triển cho các nước mới nổi và đang phát triển; nhất trí thực hiện các bước để bảo vệ an ninh lương thực bị đe dọa bởi cuộc xung đột tại Ukraine.

Ngoài ra, tuyên bố chúng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố chuỗi cung ứng các nguyên liệu công nghiệp quan trọng, chẳng hạn như chất bán dẫn, và thực hiện những biện pháp cần thiết để chống lại các hạn chế thương mại đơn phương.

Các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ nguyên tắc "minh bạch, đa dạng hóa, an ninh, bền vững, uy tín và đáng tin cậy" trong việc xây dựng các mạng lưới chuỗi cung ứng.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng nhất trí thiết lập một sáng kiến mới để chống lại sự ép buộc kinh tế và cam kết thực hiện các bước để đảm bảo rằng bất kỳ chủ thể nào tìm cách vũ khí hóa sự phụ thuộc kinh tế sẽ thất bại và đối mặt với các hậu quả. 

Tuyên bố nêu rõ sáng kiến mang tên "Nền tảng phối hợp về ép buộc kinh tế" sẽ sử dụng biện pháp cảnh báo sớm và chia sẻ thông tin nhanh chóng về hành vi ép buộc kinh tế, với việc các nước thành viên sẽ họp tham vấn định kỳ.

G7 kêu gọi tất cả các nước tham tuân thủ các nguyên tắc "minh bạch, đa dạng hóa, an ninh, bền vững, đáng tin cậy" trong việc xây dựng các mạng lưới cung ứng./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-g7-tai-hiroshima-ra-tuyen-bo-chung/863647.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-g7-tai-hiroshima-ra-tuyen-bo-chung/863647.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Hội nghị thượng đỉnh G7 tai Hiroshima ra tuyên bố chung
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO