Hội nghị tham vấn của Liên hợp quốc về khí hậu bế tắc trong vấn đề tài trợ

Nguyễn Hằng| 14/06/2024 11:55

Hội nghị một lần nữa phơi bày những rạn nứt chưa thể hàn gắn giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới về việc nước nào sẽ phải chi nhiều nhất và chi bao nhiêu cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chỉ còn 5 tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), nhưng các nước vẫn bất đồng về nhiều vấn đề, trong đó có quy mô tài trợ toàn cầu nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu.

Dù mục tiêu tài trợ khí hậu mới sẽ là một trong những vấn đề chính mà các nước cần thông qua tại COP29, dự kiến diễn ra tại Azerbaijan vào tháng 11 tới, song các cuộc đàm phán sơ bộ của Hội nghị tham vấn của Liên hợp quốc về khí hậu, diễn ra tại Bonn (Đức), trong tuần này đã không đạt được đột phá lớn.

Không chỉ vậy, hội nghị một lần nữa phơi bày những rạn nứt chưa thể hàn gắn giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới về việc nước nào sẽ phải chi nhiều nhất và nếu chi sẽ phải chi bao nhiêu cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Phát biểu sau khi kết thúc hội nghị ngày 13/6, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell đánh giá hội nghị chỉ đạt được “những bước đi khiêm tốn” và nhiều điều vẫn chưa được thực hiện khi chỉ còn ít thời gian nữa sẽ diễn ra COP29.

Ông Stiell nhấn mạnh: “Chúng ta đã đi đường vòng đến Baku,” khi còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết và vẫn cần được thảo luận. Trong đó, vấn đề nổi cộm nhất là tài trợ khí hậu, hay cách thức các nước giàu tài trợ cho các nước đang phát triển thực hiện những biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển sang năng lượng sạch.

Năm 2009, các nước phát triển đã nhất trí đóng góp 100 tỷ USD/năm để giúp các nước có thu nhập thấp đầu tư vào năng lượng sạch và đối phó với những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu này bị chậm hơn 2 năm so cam kết. Do việc đóng góp 100 tỷ USD/năm sẽ hết hạn vào năm 2025, nên các nước cần nhất trí mục tiêu mới tại COP29.

Nhưng những bất đồng về số tiền cần huy động, nước nào sẽ trả và nhận, cũng như hình thức tài trợ đã trở thành những rào cản trong các cuộc đàm phán diễn ra từ ngày 3-13/6 tại Bonn.

Các nước đang phát triển, không bao gồm Trung Quốc, ước tính đến năm 2030 cần hơn 2.000 tỷ USD để đối phó với biến đổi khí hậu.

Những nước này kêu gọi nhiều khoản tài trợ hơn và ít khoản vay hơn trong giai đoạn tiếp theo, trong khi một số nước giàu muốn các thị trường đang nổi như Trung Quốc cũng phải tài trợ cho các sáng kiến khí hậu.

Ông Stiell nói rằng để các chính phủ có cơ hội ký kết một thỏa thuận vào tháng 11 tới, các nước cần đưa ra những lựa chọn rõ ràng và khuôn khổ thực chất cho dự thảo.

Quan chức Liên hợp quốc kêu gọi các bên cần “nghiêm túc hơn để thu hẹp những bất đồng” bởi khó có thể tìm ra giải pháp chính trị nào vào thời điểm phút chót ở Baku.

Ông cảnh báo các nhà đàm phán sẽ phải vượt “một chặng đường rất chông gai” để đạt được kết quả như mong đợi./.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-tham-van-cua-lien-hop-quoc-ve-khi-hau-be-tac-trong-van-de-tai-tro-post959087.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-tham-van-cua-lien-hop-quoc-ve-khi-hau-be-tac-trong-van-de-tai-tro-post959087.vnp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Hội nghị tham vấn của Liên hợp quốc về khí hậu bế tắc trong vấn đề tài trợ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO