Chính trị

Hội nghị Geneve 70 năm trước

Giang Huy - Phạm Dự 20/07/2024 06:51

Sau hơn 2 tháng đàm phán căng thẳng, ngày 21/7/1954, hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của thực dân Pháp được ký kết.

ADQuảng cáo
Ngày 15/7, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội, Bộ Ngoại giao khai mạc triển lãm Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024). Triển lãm tái hiện bối cảnh trước hội nghị, diễn biến, kết quả và đấu tranh thi hành hiệp định. Trong ảnh, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự hội nghị ở thành phố Geneve, Thụy Sĩ, ngày 4/5/1954. Tại sân bay có Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô Gromyko, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc Chu Ân Lai và Trưởng đoàn đại biểu Triều Tiên Nam Nhật.
Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị Geneve. Từ trái sang phải là Thứ trưởng Tư pháp Trần Công Tường, Bộ trưởng Công thương Phan Anh, Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu. Trong đó, Phó thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng là trưởng đoàn tham dự hội nghị.
Toàn cảnh phiên khai mạc hội nghị Geneve ngày 8/5/1954. Hội nghị bắt đầu trong bối cảnh Pháp vừa bại trận ở chiến trường Điện Biên Phủ và vấn đề khôi phục hòa bình ở Triều Tiên không đạt được kết quả.
Hội nghị trải qua 3 giai đoạn với 75 ngày. Trong giai đoạn một (từ 8/5/1954 đến 19/6/1954), các đoàn trình bày lập trường về giải pháp cho vấn đề ở Việt Nam và Đông Dương. Phía Pháp yêu cầu chỉ giải quyết vấn đề quân sự, không đề cập chính trị và tách vấn đề Lào, Campuchia ra khỏi vấn đề Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu phải có đại diện kháng chiến Lào và Campuchia tham dự. Trong ảnh, Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu báo cáo về diễn biến tình hình chiến trường Đông Dương cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Geneve.
Một buổi họp báo ở hội nghị Geneve liên quan vấn đề Đông Dương. Trước đó, trong phiên họp toàn thể thứ hai, ngày 10/5/1954, Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa ra lập trường 8 điểm về một giải pháp toàn diện cho vấn đề Đông Dương. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên định lập trường buộc Pháp thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và các nước khác trên bán đảo Đông Dương.
Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng họp báo tại trụ sở đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Geneve ngày 19/7/1954. Đây là giai đoạn ba của hội nghị, chỉ trong 10 ngày, nhưng diễn ra nhiều cuộc gặp, trao đổi tay đôi, tay ba hoặc nhiều bên giữa các trưởng đoàn. Các phiên họp chủ yếu đàm phán, thỏa thuận về phân chia vĩ tuyến làm ranh giới tạm thời; thông qua các văn kiện, điều khoản thi hành hiệp định.
Toàn cảnh phiên họp hội nghị Geneve ngày 20/7/1954. Căng thẳng nhất lúc này là đàm phán về phân chia vĩ tuyến. Pháp chọn vĩ tuyến 18, còn Việt Nam kiên định ở vĩ tuyến 16. Phải đến phiên họp chiều tối 20/7/1954, các bên mới đi đến thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến. Thời hạn 2 năm tổng tuyển cử cũng như các hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Lào và Campuchia và các vấn đề khác đều là sự giằng co giữa các bên.
Sau hơn 2 tháng đấu tranh trên bàn đàm phán, ngày 21/7/1954, Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
Đại diện chính phủ Pháp, thiếu tướng Henri Delteil ký hiệp định Geneve. Hội nghị Geneve kết thúc, thông qua tuyên bố chung gồm 13 điểm. Trong đó có nội dung đình chỉ chiến sự, lập lại, duy trì và củng cố hòa bình; hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất đất nước sau 2 năm và các quy định về thi hành hiệp định cho toàn bộ Đông Dương.
Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự hội nghị Geneve chụp ảnh chung tại trụ sở phái đoàn ở Villa Cadre.
Hòa bình lập lại, vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) trở thành giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền. Trong ảnh là cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17.
Bản tuyên bố chung của hội nghị Geneve về vấn đề Đông Dương, trong đó công nhận và tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Những vấn đề khác cũng được thể hiện như đình chỉ chiến sự trên toàn cõi Đông Dương; Pháp rút quân khỏi lãnh thổ ba nước; quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Lào và Campuchia; không có căn cứ nước ngoài và không liên minh quân sự với nước ngoài; không trả thù những người hợp tác với đối phương; trao trả tù binh và người bị giam giữ.
"Với thắng lợi của việc ký kết hiệp định Geneve, lần đầu tiên trong lịch sử, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói tại lễ khai mạc. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 5/9.

(Ảnh tư liệu triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Theo vnexpress.net
https://vnexpress.net/hoi-nghi-geneve-70-nam-truoc-4770320.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Geneve 70 năm trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO