Y tế - Sức khỏe

Hội Đông y Đắk Nông nỗ lực bảo tồn tri thức sử dụng thuốc nam

Tô Thị Nhĩ, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Đông y tỉnh Đắk Nông 11/12/2024 06:54

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” Hội Đông y tỉnh Đắk Nông đã và đang nỗ lực sưu tầm, ứng dụng và bảo tồn nguồn tri thức sử dụng thuốc các vị thuốc Nam có sẵn tại địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng vào mục đích chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Đắk Nông có nguồn dược liệu rất lớn

Đắk Nông là một tỉnh của khu vực Tây Nguyên có 2 hệ sinh thái rừng. Hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới (gọi tắt là rừng thường xanh) bao gồm các huyện Đắk Song, Tuy Đức, Đắk R’lấp. Hệ sinh thái rừng thưa cây họ dầu (rừng khộp, dry dipterocarp forest) là khu rừng thuộc huyện Cư Jút, Đắk Mil và huyện Krông Nô.

Dược liệu22
Dưới tán rừng Đắk Nông thảm thực vật phong phú và đa dạng trong đó có nhiều dược liệu quý

Khí hậu tỉnh Đắk Nông vừa mang tính chất khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm, chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng. Khí hậu có 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 10, tập trung 90% lượng mưa hàng năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa không đáng kể. Nhiệt độ trung bình của Đắk Nông là 22 - 23oC.

Các yếu tố trên đã ban tặng cho Đắk Nông thảm thực vật phong phú và đa dạng. Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và Vườn Quốc gia Tà Đùng có những khu rừng nguyên sinh với nhiều cảnh quan, thác nước đẹp tạo nên quần thể du lịch hấp dẫn, đồng thời chứa nguồn dược liệu rất lớn.

Nhận thức được giá trị của nguồn tài nguyên dược liệu quý từ thiên nhiên, từ năm 2010 - 2011, Hội Đông y tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh: “Sưu tầm cây thuốc quý tại tỉnh Đắk Nông”. Trong số 305 cây thuốc có trong danh mục sưu tầm có 208 loài đã được định danh và trồng thử nghiệm 100 loài.

Đắk Nông có 40 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, dân tộc thiểu số chiếm 31,5% dân số, trong đó, dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 10,4% dân số. Vì vậy, Đắk Nông là nơi hội tụ nhiều tri thức sử dụng thảo dược làm thuốc chữa bệnh của người Việt Nam. Sau khi kết thúc nhiệm vụ khoa học, Hội Đông y tỉnh vẫn không ngừng tìm kiếm, bổ sung vào danh lục nhiều dược liệu có giá trị chữa bệnh tốt.

Dược liệu12
Một chuyến đi rừng hái cây câu đằng của Hội Đông y tỉnh Đắk Nông

Dược liệu tại Đắk Nông có nhiều công dụng chữa bệnh. Trong đó, nhóm dược liệu làm thuốc bổ như: đinh lăng, sâm cau, sâm bố chính, sâm dây, dâu tằm, tỏa dương, sen, nhãn, gấc, mật ong... Dược liệu chữa bệnh đường hô hấp như: xạ can, bướm bạc, mua tép, thiên môn, mạch môn, húng chanh... Chữa bệnh cơ, xương, khớp có: thiên niên kiện, cốt toái bổ, dây đau xương, dây đòn gánh, thổ phục linh, kê huyết đằng, đỗ trọng dây, ngũ gia bì, dây gắm,… Bệnh về đường tiêu hóa có: chè dây, sim, hoàng đằng, vàng đắng, mua,…Bệnh cao huyết áp có: nấm linh chi, câu đằng, thảo quyết minh, hoa sứ,... Thanh nhiệt giải độc có kim ngân, bồ công anh, nhân trần, mớp gai, chè vằng, cất hơi,… Bệnh mất ngủ có lạc tiên, bình vôi, viễn chí lá nhỏ, vông nem, táo ta,… Thuốc cầm máu có cỏ mực…

Cùng với sự thu hẹp diện tích rừng tự nhiên và việc khai thác không kiểm soát được, một số loài dược liệu trở nên khan hiếm có tên trong sách đỏ. Trước đây, Đắk Nông là nơi có nguồn cây vàng đắng và hoàng đằng rất dồi dào, với những dây có đường kính trên 10cm, TP. Gia Nghĩa từng là nơi đặt nhà máy khai thác 2 loài này để chiết xuất ra Berberin. Đến nay, 2 dược liệu này đã rất hiếm, thỉnh thoảng mới gặp những cây nhỏ có đường kính 1-2cm. Tương tự, năm 2010, còn bắt gặp nhiều bãi sa nhân, thiên niên kiện, bình vôi hay chè dây rộng cả ha, nhưng nay các dược liệu này cũng không còn nhiều.

Còn lại, đa số nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên của Đắk Nông hầu hết chưa được khai thác làm thuốc, gây lãng phí rất lớn. Trong lúc nhu cầu chăm sóc sức khỏe của một bộ phận người dân chưa được đáp ứng.

Phát triển nền y học cổ truyền

Từ năm 2019 đến nay, Hội Đông y tỉnh đã phát động phong trào “Sử dụng thuốc Nam an toàn, hiệu quả và rẻ tiền”. Qua phong trào này, nhiều hội viên đã hưởng ứng tích cực, tự nguyện cống hiến những kinh nghiệm sử dụng dược liệu làm thuốc của gia đình, dòng họ mình cho nhiều người cùng áp dụng. Điển hình như các ông Lê Hồng Phong, Hà Văn Mạo, Đỗ Đồng Néc ở huyện Cư Jút, bà Vi Thị Chon ở huyện Krông Nô.

Dược liệu63
Vườn sâm bố chính rực rỡ sắc hoa

Tháng 2/2023, Hội Đông y tỉnh khai trương Phòng Khám nhân đạo YHCT, ngày 23/2/2023. Phòng khám nhân đạo chính là nơi nghiên cứu ứng dụng điều trị cho bệnh nhân bằng các bài thuốc dân tộc thông qua hoạt động thu hái thuốc nam, tư vấn và điều trị miễn phí cho Nhân dân. Đồng thời, đây cũng là nơi để hội viên trong tỉnh đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chữa bệnh.

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, ngoài việc sưu tầm tri thức dùng thuốc của các dân tộc Việt Nam, Hội Đông y tỉnh còn tích cực tra cứu thông tin sử dụng các cây thuốc có sẵn của các nước có nền đông y phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia…

Các y bác sĩ YHCT bốc thuốc cho bệnh nhân
Các y bác sĩ y học cở truyền Hội Đông y tỉnh bốc thuốc cho bệnh nhân

Trong thời gian tới, hội đông y các cấp trong tỉnh phát huy vai trò chủ động, tích cực trong phát triển nền y học cổ truyền. Hội tăng cường vận động, tuyên truyền, cung cấp thông tin về những bài thuốc hay, phương pháp chữa trị hiệu quả để người dân biết, sử dụng.

Hội tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm để hội viên đông y có thêm kiến thức chuyên môn về thuốc nam, không để mất đi những môn thuốc hay, những bài thuốc quý. Hoạt động còn nhằm giới thiệu tiềm năng cây thuốc Đắk Nông để các nhà khoa học và các công ty đông dược quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên dược liệu tại Đắk Nông.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Hội Đông y Đắk Nông nỗ lực bảo tồn tri thức sử dụng thuốc nam
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO