Những tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel xuống thành phố Gaza, ngày 10/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 16/10 đã thể hiện sự bất đồng về cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.
Dự thảo nghị quyết dài 1 trang về cuộc xung đột nói trên do Nga đề xuất đã không được nhất trí thông qua tại Hội đồng Bảo an.
Nga, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Gabon và Mozambique là những nước bỏ phiếu tán thành dự thảo nghị quyết.
Trong khi đó, Albania, Brazil, Ghana, Malta, Thụy Sĩ và Ecuador bỏ phiếu trắng, còn Mỹ, Anh, Pháp và Nhật Bản bỏ phiếu chống.
Dự thảo nghị quyết của Nga kêu gọi đưa ra một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, bền vững và được tuân thủ đầy đủ...
Theo Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield, dự thảo nghị quyết mà Moskva đưa ra chỉ đề cập chung chung, mà không lên án đích danh Phong trào Hamas.
Bà Thomas-Greenfield nhấn mạnh Washington "đồng ý rằng Hội đồng Bảo an nên hành động trong vấn đề này, nhưng mọi việc phải được tiến hành một cách đúng đắn và Mỹ sẽ phối hợp tích cực với tất cả các thành viên trong hội đồng trong nỗ lực này".
Theo kế hoạch, vào cuối ngày 17/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiếp tục bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết khác, do Brazil soạn thảo.
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa kết thúc cuộc họp kéo dài nhiều giờ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv.
Hiện nhiều nước trên thế giới vẫn đang tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại Dải Gaza.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/10 đã tiến hành các cuộc điện đàm riêng rẽ cùng lãnh đạo các nước Syria, Iran, Palestine và Ai Cập.
Tại các cuộc trao đổi, ông Putin cho biết Moskva sẵn sàng phối hợp các nỗ lực với tất cả các đối tác có tinh thần xây dựng để chấm dứt tình hình xung đột hiện nay và ổn định tình hình.
Ông Putin nhấn mạnh không thể chấp nhận bất kỳ hình thức bạo lực nào chống lại dân thường, đồng thời khẳng định Moskva sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ nhân đạo cần thiết.
Ông cũng nhắc lại rằng một giải pháp công bằng lâu dài cho cuộc xung đột là tạo điều kiện cho việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại hòa bình và an ninh với Israel.
Cũng trong ngày 16/10, Ngoại trưởng Saudi Arabia - Hoàng tử Faisal bin Farhan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Kamikawa Yoko để thảo luận về tình hình xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết tại cuộc điện đàm, Hoàng tử Faisal đã chia sẻ mối quan ngại sâu sắc về tình hình thực tế tại Dải Gaza và điểm lại những nỗ lực ngoại giao của quốc gia vùng Vịnh này nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột giữa Hamas và Israel.
Về phần mình, Ngoại trưởng Kamikawa đánh giá cao những nỗ lực ngoại giao của Saudi Arabia, đồng thời tuyên bố rằng Nhật Bản đã liên lạc với các bên liên quan nhằm xoa dịu tình hình tại Dải Gaza.
Ngoại trưởng Kamikawa đã phản đối mạnh mẽ của Phong trào Hamas, đặc biệt là các cuộc tấn công và bắt giữ dân thường đưa về Dải Gaza.
Bà đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Saudi Arabia để cải thiện khả năng tiếp cận nhân đạo và cung cấp viện trợ, bao gồm thực phẩm, nước uống và chăm sóc y tế cho người dân.
Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp trong các nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng và cải thiện tình hình nhân đạo ở Dải Gaza.
Đoàn xe quân sự Israel di chuyển tại một vị trí giáp giới Dải Gaza, ngày 15/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Tunisia Ibrahim Bouderbala ngày 16/10 đã hối thúc cộng đồng quốc tế can thiệp để lập tức chấm dứt cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và phong trào Hamas, đồng thời dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với Dải Gaza.
Phát biểu trong một cuộc họp khẩn cấp trực tuyến với chủ tịch quốc hội của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), ông Ibrahim Bouderbala kêu gọi các quốc gia thành viên OIC, cũng như các tổ chức khu vực và quốc tế lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, đồng thời yêu cầu các bên liên quan tuân thủ các nghị quyết quốc tế và đẩy nhanh việc cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho người Palestine.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng đã thảo luận về những diễn biến mới nhất tại Dải Gaza trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 16/10.
Theo hãng thông tấn WAFA của Palestine, ông Abbas đã phản đối việc Israel buộc hơn 1,1 triệu người Palestine phải sơ tán đến các khu vực phía Nam Gaza, đồng thời kêu gọi Anh ngăn chặn những nỗ lực di dời này của Israel.
Tổng thống Abbas kịch liệt phản đối việc cả hai phía Hamas và Israel cướp đi sinh mạng của dân thường, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thả dân thường và tù nhân mà hai lực lượng này đang giam giữ.
Nhà lãnh đạo Palestine nhấn mạnh cả hai Hamas và Israel cần tuân thủ tính hợp pháp quốc tế và các thỏa thuận trước đó, trong đó bao gồm việc tạo hành lang an toàn để đưa các vật tư cứu trợ y tế và thực phẩm vào Dải Gaza, cũng như cung cấp nước và điện cho vùng đất này.
Ông nhấn mạnh rằng hòa bình và an ninh sẽ chỉ đạt được bằng cách thực hiện giải pháp hai nhà nước dựa trên các nghị quyết quốc tế và sự công nhận nhà nước Palestine.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày 17/10 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay tại Dải Gaza, kêu gọi các bên liên quan tại Dải Gaza ngừng bắn ngay lập tức, bảo vệ dân thường và xúc tiến các cuộc đối thoại nhằm chấm dứt xung đột.
SCO cũng khẳng định ủng hộ các nỗ lực do Liên hợp quốc thúc đẩy nhằm hạ nhiệt tình hình sớm nhất có thể thông qua các biện pháp hòa bình và giải pháp hai nhà nước.
Trong diễn biến mới nhất, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết khoảng 2.000 binh sỹ nước này đã được lệnh chuẩn bị triển khai để hỗ trợ Israel. Đây là những binh sỹ có nhiều kỹ năng và chuyên môn khác nhau, bao gồm hỗ trợ y tế và xử lý chất nổ.
Cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel hiện đã bước sang ngày thứ 10.
Theo con số thống kê chưa chính thức, các cuộc tấn công lẫn nhau giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza kể từ ngày 7/10 vừa qua đã khiến khoảng 4.000 người của cả hai bên thiệt mạng./.