Học và làm theo Bác - Đảng viên đi trước, làng nước theo sau
Qua 4 năm học tập và làm theo Bác, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chuyển biến, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đại hội đảng các cấp đề ra.
Nét mới trong lãnh đạo, chỉ đạo
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Kiên quyết, kiên trì thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu quả, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, gắn với đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hiện thực hóa nhiệm vụ này, ngay sau khi có Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.
Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 01 và Chuyên đề toàn khóa được các cấp ủy đảng triển khai gắn với các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Hàng năm, tỉnh đều cụ thể hóa, lựa chọn những chuyên đề riêng phù hợp với tình hình thực tiễn để triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn Đảng bộ. Cấp ủy, các tổ chức đảng chú trọng đổi mới tuyên truyền, triển khai bằng nhiều hình thức như: hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, qua các trang mạng xã hội và kết hợp tự nghiên cứu…
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, so với những năm trước, từ năm 2021 đến nay, cấp ủy các cấp đã xác định rõ nội dung công việc phải học tập và làm theo gương Bác. Cấp ủy các cấp phân công trách nhiệm cụ thể cho tập thể, cá nhân; đề cao trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu.
Việc học tập luôn gắn liền xây dựng kế hoạch hành động đối với tập thể, đăng ký thực hiện làm theo phong cách của Bác đối với cán bộ, đảng viên. Kết quả thực hiện các nội dung đăng ký là một tiêu chí để kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên hàng năm.
Cấp ủy, ban tuyên giáo các cấp chú trọng kiểm soát chất lượng từ cơ sở; tăng cường sinh hoạt chuyên đề. Trong đó, nội dung sinh hoạt chuyên đề là những việc thực tế hàng ngày, có tác động sâu sắc, thay đổi đến nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân…
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Thanh Danh khẳng định: “Đến bây giờ, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân có chuyển biến thực sự trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đại hội đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra. Tác phong, lề lối, phong cách của cán bộ, đảng viên được điều chỉnh một bước, góp phần vào sự thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trên địa bàn”.
Nhiều mô hình có sức lan tỏa sâu rộng
Tháng 3/2024, bà Trần Thị Liên, tổ dân phố 2, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua xe máy phục vụ công việc mua bán phế liệu.
Chồng không may mất sớm, một mình bà Liên gồng gánh nuôi hai con ăn học. Trước đây, bà Liên có một chiếc xe máy cũ để đi mua phế liệu nhưng qua nhiều năm, xe thường xuyên hư hỏng. Nhiều thời điểm, không có tiền sửa chữa, bà Liên đi bộ để mưu sinh.
Thực hiện mô hình “5 cán bộ, đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo”, Chi bộ tổ dân phố 2 đã họp bàn và thống nhất huy động đóng góp của toàn thể đảng viên, đồng thời vận động thêm các chi hội đoàn thể, nhà hảo tâm… cùng giúp đỡ bà Liên. “Từ ngày có chiếc xe này, tôi đi lại mua bán dễ dàng, thuận tiện hơn, thu nhập cũng cao hơn trước. Tôi chỉ mong có sức khỏe, công việc thuận lợi, cuộc sống ba mẹ con khởi sắc hơn”, bà Liên phấn khởi.
Thực hiện mô hình “5 cán bộ, đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo”, toàn huyện Đắk Song đã huy động đóng góp hàng tỷ đồng, giúp đỡ được 402 hộ thoát nghèo. “Mô hình đã thực hiện thành công 3 nội dung gồm: tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức, phát huy nội lực của người dân; thực hiện phương châm “hướng về cơ sở” hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo; phát huy vai trò đảng viên về giúp dân xóa nghèo”, đồng chí Phạm Thị Thúy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk Song chia sẻ.
Hiệu quả của mô hình “5 cán bộ, đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo” của huyện Đắk Song đã lan tỏa, được nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh học tập nhằm phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, hội viên trong công tác xóa nghèo. Trong đó, Đảng ủy Quân sự tỉnh thực hiện mô hình "Chi bộ, đĐảng bộ quân sự giúp 1 hộ thoát nghèo"; Hội Cựu chiến binh huyện Krông Nô thực hiện mô hình "5+1" (5 hội viên khá, giàu giúp 1 hội viên nghèo). Với phương châm giúp hộ nghèo có địa chỉ, "trao cần câu không trao xâu cá", các mô hình thực sự là điểm tựa của nhiều hộ nghèo, giúp họ vươn lên trong xóa nghèo bền vững.
Học tập và làm theo Bác, Đắk Nông duy trì và xây dựng 507 mô hình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. “Các mô hình học tập và làm theo Bác tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các cơ quan, cộng đồng dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, tạo không khí thi đua trong lao động, sản xuất, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, đồng chí Bùi Huy Thành, UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định.
Xác định vấn đề nổi cộm để tập trung thực hiện
Công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) rừng là một trong hai vấn đề nổi cộm kéo dài nhiều năm được Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Glong lựa chọn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết. Đồng chí Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong thông tin, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 13/10/2020 về tăng cường công tác QLBV, phát triển rừng giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp trên phù hợp, sát thực tiễn. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý đất đai, bảo vệ rừng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân.
Đắk Glong chủ động xây dựng kế hoạch khắc phục các tồn tại hạn chế sau thanh tra, kiểm tra của cấp trên. Trong đó, thực hiện Kết luận số 840-KL/TU, ngày 8/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đắk Glong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành cưỡng chế thu hồi đối với các diện tích đất nông, lâm nghiệp bị lấn chiếm đoạn qua xã Đắk Ha là 3,99ha và xã Quảng Sơn là 35,41ha.
Các cơ quan chức năng huyện phối hợp điều tra, khởi tố vụ án liên quan đến những vi phạm trong công tác quản lý đất đai và bảo vệ rừng. Nhờ đó, công tác QLBV rừng đã có những chuyển biến tích cực. “QLBV rừng là vấn đề không hề dễ dàng, đòi hỏi thời gian lâu dài. Tuy nhiên, từ khi lựa chọn là vấn đề cần tập trung giải quyết, đến nay, công tác QLBV rừng của huyện đã có những chuyển biến tích cực. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng phần nào được khắc phục, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong giữ rừng, bảo vệ rừng được phát huy”, đồng chí Vũ Tiến Lư cho biết.
Giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh Đắk Nông đã lựa chọn 21 vấn đề nổi cộm, dư luận quan tâm liên quan đến tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng, QLBV rừng, cải cách hành chính, đạo đức công vụ, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... để giải quyết, tạo niềm tin trong Nhân dân. Đến nay, nhiều vấn đề đã được tập trung giải quyết, mang lại kết quả rõ nét.
Việc làm thường xuyên, liên tục
Đảng bộ tỉnh Đắk Nông xác định, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đề ra những chủ trương, giải pháp thiết thực, cách làm sáng tạo tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Theo đồng chí Bùi Huy Thành, học tập và làm theo Bác là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài. Do đó, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn đổi mới, quyết tâm hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
"Các cấp, ngành, địa phương, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện đồng thời giữa học tập Bác, làm theo Bác và nêu gương Bác, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự thấm sâu, trở thành nền tảng, động lực tinh thần của xã hội", đồng chí Bùi Huy Thành nhấn mạnh.
Hiện nay, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ. Đây vừa là lợi thế, cơ hội nhưng vừa là thách thức, khó khăn đối với công tác tư tưởng chính trị của Đảng, nhất là trong việc định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề mà cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm.... Do vậy, cấp ủy, ban tuyên giáo các cấp cần đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt, giảng dạy các chỉ thị, nghị quyết của Đảng nói chung, nhất là về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả nội dung học tập, làm theo, trong đó chú trọng tính nêu gương, tự giác làm theo Bác trên tinh thần tự thân, tự giác, tự nguyện, tự điều chỉnh hành vi; trên trước dưới sau, trong trước ngoài sau...
“Cấp ủy các cấp, ngành, địa phương chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những âm mưu lợi dụng việc xuyên tạc, phủ nhận việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Ban Chỉ đạo 35 các cấp nhạy bén hơn nữa trong việc nắm bắt những thông tin sai trái, “xấu, độc” về vấn đề này, kịp thời đấu tranh, định hướng, tuyên truyền cho Nhân dân theo phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”, tránh việc bị các luận điệu sai trái chiếm lĩnh thông tin chính thống, để việc học và làm theo gương Bác ngày càng lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội”, đồng chí Bùi Huy Thành yêu cầu.
Sau khi Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024 về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Thông tri số 01-TT/TU, ngày 30/8/2024 để triển khai, thực hiện. Vì vậy, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định chuẩn mực đạo đức cho phù hợp theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh với Quy định số 144 và quy định chuẩn mực đạo đức của từng cơ quan, ban, ngành.
“Thực hiện tốt việc này chính là góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030”, đồng chí Bùi Huy Thành lưu ý.